Theo thể thức thi đấu mới của AFC Cup, đội thắng trận chung kết khu vực Đông Nam Á (ASEAN Zone) xem như giành vé vào vòng bán kết. Như vậy, với việc Hà Nội đấu Bình Dương ở chung kết khu vực, sau đúng 10 năm, bóng đá Việt Nam mới tái lập thành tích của chính... Bình Dương năm 2009.
Nếu xét trên vị trí hiện tại của đội tuyển Việt Nam, thứ 15 châu Á và số một Đông Nam Á, việc đương kim vô địch quốc gia CLB Hà Nội vào đá chung kết ASEAN Zone chẳng có gì đặc biệt, thậm chí có thể xem là chuyện đương nhiên. Chỉ chiếc vé vào chung kết của Bình Dương cho thấy một góc nhìn khác.
Bình Dương hiện nay không thể sánh bằng năm 2009, thời điểm họ có đến năm tuyển thủ quốc gia cùng hai ngoại binh chất lượng rất cao như Philani và Huỳnh Kesley Alves. Ở giai đoạn một vừa qua của V-League 2019, Bình Dương chỉ chơi ở mức trung bình, thậm chí hồi đầu mùa còn bị đặt trong tình trạng có thể xuống hạng do chất lượng đội hình không tốt và phải thay HLV để "đổi vận". Họ cũng chỉ có một tuyển thủ quốc gia, là lão tướng Nguyễn Anh Đức. Thế nên, có hai cách giải thích cho việc Bình Dương vào chung kết ASEAN Zone: hoặc bóng đá Việt Nam đang rất mạnh nên một đội hạng trung bình cũng đứng đầu khu vực, hoặc vì AFC Cup có chất lượng kém hơn 10 năm trước.
Hướng giải thích thứ hai có vẻ hợp lý hơn. ASEAN Zone năm nay không có đại diện của Thái Lan, do các CLB nước này đủ chuẩn dự AFC Champions League. Năm 2009, Bình Dương phải đối đầu với hai đội Thái Lan rất mạnh là Buriram và Chonburi trên đường vào bán kết. Còn năm nay, ở vòng bảng, họ để thua đại diện Philippines là Ceres-Negros, sau đó chỉ vào chung kết nhờ luật bàn thắng trên sân đối phương trước đội bóng đến từ Indonesia - PSM Makassar. Như vậy, Bình Dương yếu hơn trước, nhưng vẫn đi sâu ở AFC Cup chủ yếu do giải đấu này cũng sa sút chất lượng.
Đội bóng từng thắng Bình Dương ở vòng bảng là Ceres-Negros vốn bị rớt xuống từ vòng đấu sơ loại AFC Champions League do để thua một đại diện của Myanmar. Vậy mà, suýt chút nữa Ceres Negros đã loại Hà Nội FC, nếu họ có bàn gỡ hòa 2-2 ở trận lượt về trên sân Hàng Đẫy vừa qua. Trận đấu này được ví như cuộc đối đầu giữa hai đội tuyển Việt Nam - Philippines thu nhỏ, và ở cấp độ CLB, thực tế cuộc đối đầu Hà Nội - Ceres cho thấy bóng đá Việt Nam không vượt trội so với tầm đội tuyển.
Điều đó cho thấy việc hai đội bóng Việt Nam vào chung kết AFC khu vực Đông Nam Á không phải là thành công đặc biệt. Mọi thứ còn còn phải chờ kết quả ở hai trận đấu bán kết liên khu vực với các đại diện đến từ khu vực Đông - Trung và Nam Á để giành quyền vào chơi chung kết toàn châu Á với đối thủ đến từ Tây Á.
Trong hệ thống xếp hạng của AFC dành để phân loại các CLB, Thái Lan nằm trong top 10 châu Á, còn Việt Nam đứng thứ 19. Điều này càng khẳng định những thành công hiện nay của bóng đá Việt Nam mới ở phần thượng tầng, là một sự kết hợp nhất thời giữa một thế hệ cầu thủ xuất sắc và công lao của HLV Park Hang-seo. Để có một nền bóng đá mạnh thực sự, thì gốc rễ vẫn là CLB, nơi đào tạo và thi đấu chủ yếu của các cầu thủ.
AFC Cup chỉ là một sân chơi hạng hai của châu lục nhưng các CLB Việt Nam phải mất đến 10 năm mới trở lại với khả năng tranh chấp huy chương. Đó chắc chắn chỉ là một dấu hiệu lạc quan, nhưng khó có thể xem là thành công nếu nhìn từ góc độ sự phát triển của các CLB chuyên nghiệp.
Song Việt