HLV Edson Tavares (thời điểm làm HLV: năm 1995, thời gian cầm quyền: 42 ngày)
Ông Tavares được ghi nhớ là HLV ngoại đầu tiên dẫn dắt tuyển Việt Nam. Đến nay vẫn có những giai thoại về viên kẹo màu xanh của HLV người Brazil giúp các cầu thủ Việt Nam vốn yếu về thể lực có thể chạy băng băng 120 phút mà không biết mệt. Tại Cup Độc lập năm 1995, ông dẫn dắt cả đội Việt Nam 1 và Việt Nam 2 giành quyền vào bán kết. Đang lúc bóng đá Việt Nam ngây ngất với thành công bước đầu thì ông bỏ đi đầy bí ẩn chỉ sau 42 ngày làm việc.
Thành tích: thắng tuyển Estonia khá mạnh với tỷ số 1-0 và lọt vào bán kết Cup Độc lập.
Karl Heinz Weigang (1995-1997, một năm 8 tháng)
Ông là người thầy của bao thế hệ cầu thủ tài năng của Việt Nam từ thời Phạm Huỳnh Tam Lang những năm 1960 cho đến thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức. Ông Weigang được đánh giá cao ở khả năng thổi tinh thần và kỷ luật Đức vào lối chơi còn chưa mấy hiệu quả của các cầu thủ Việt Nam. Biết cầu thủ Việt kém ở kinh nghiệp cọ xát quốc tế, ông đã cho đội thi đấu cả chục trận trong thời gian tập huấn tại Đức và nhờ đó, đội đã lột xác ở SEA Games 1995. Ông giúp bóng đá Việt Nam lần đầu biết đến thành tích ở sân chơi khu vực với tấm HC bạc SEA Games 1995. Đến năm 1997, ông đã ra đi sau những mâu thuẫn không thể hàn gắn với VFF và các trợ lý của mình.
Thành tích: HC bạc SEA Games 1995 và hạng Ba Tiger Cup 1996. Thi đấu 17 trận, thắng 9, hòa 2, thua 6, hiệu số 37-33.
Êkíp Trần Duy Long - Lê Đình Chính (1997, hai tháng)
Sau khi HLV Weigang ra đi, VFF phải bổ nhiệm trợ lý HLV Trần Duy Long lên thay thế để kịp tham dự Vòng loại World Cup 1998. Tuy nhiên, đội đã thua đậm trước các đối thủ Tajikistan, Turkmenistan và Trung Quốc nên ông Long phải nhường chỗ cho HLV Lê Đình Chính. Ông Chính cũng không cứu được thành tích đang đà xuống dốc của tuyển Việt Nam.
Thành tích: thi đấu 6 trận thua cả 6, hiệu số 2-21.
Colin Murphy (1997, 5 tháng)
Ông Murphy chỉ có vài tháng chuẩn bị cho SEA Games 1997 nên ông áp nguyên lối đá "kick and rush" của Anh vào các cầu thủ Việt Nam có thể hình nhỏ bé và thể lực không tốt. Vì thế lối chơi và thành tích của tuyển Việt Nam thời kỳ đó rất thiếu thuyết phục. Thậm chí, một cầu thủ thuộc loại của hiếm như Hồng Sơn cùng thường xuyên phải chơi dự bị ở thời kỳ này. Ở SEA Games 1997, đội chỉ may mắn không bị loại từ vòng bảng nhờ việc Lào bất ngờ thắng Malaysia. Tuy sau đó, đội giành HC đồng ở trận thắng Singapore 1-0 nhưng lối chơi của đội ở giải này không được đánh giá cao. Sau giải này ông Murphy thông báo về nước tạm nghỉ nhưng sau đó đã thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Thành tích: HC đồng SEA Games 1997. Thi đấu 6 trận, thắng 3, hòa một, thua hai, hiệu số 9-6.
Alfred Riedl (1998-2000, hai năm 8 tháng)
Ông Riedl được nguyên tổng thư ký Phạm Ngọc Viễn đưa về thông qua một mối quan hệ từ Malaysia. Cựu HLV tuyển Áo được coi là chiến lược gia có bài bản, lớp lang nhất và cũng sở hữu thế hệ vàng đang trong giai đoạn đỉnh cao, nhưng đáng tiếc là ông luôn thiếu may mắn ở những trận quyết định. Ở Tiger Cup 1998, tuyển Việt Nam lần đầu vượt qua Thái Lan với tỷ số 3-0 nhưng bất ngờ thua Singapore 0-1 ở trận chung kết. Tại SEA Games 1999, đội cũng chơi ngang ngửa với người Thái từ vòng bảng nhưng chưa đủ bản lĩnh để vượt qua đối thủ lớn này ở chung kết. Sau Tiger Cup 2000 - giải đấu đội Việt Nam chỉ đứng thứ tư, ông Riedl đã chia tay để đến Tây Á.
Thành tích: Á quân Tiger Cup 1998, HC bạc SEA Games 1999. Thi đấu 24 trận, thắng 12, hòa 5, thua 7, hiệu số 54-21.
Dido (2001, một năm)
Ông Dido làm các fan Việt Nam sướng rơn khi tuyên bố sẽ đưa đội Việt Nam vào World Cup. Tuy nhiên, ở vòng loại World Cup 2002, đội bị loại sớm. Còn đến SEA Games 2001, đội bóng của ông Dido cũng bị loại ngay từ vòng bảng nên ông phải sớm ra đi.
Thành tích: thi đấu 6 trận, thắng 3, hòa một, thua hai, hiệu số 9-9.
Henrique Calisto (2002, 4 tháng)
Sau thành công với Gạch Đồng Tâm, ông Calisto được mời dẫn dắt đội Việt Nam từ tháng 8 để chuẩn bị cho Tiger Cup 2002. Ông có công khai sinh ra một thế hệ cầu thủ tài năng như Tài Em, Trường Giang, Xuân Thành, Minh Phương… và đội hình này đã giành hạng ba ở Tiger Cup năm đó. Tuy nhiên, sau đó VFF và ông Calisto đã có hiểu lầm nên hai bên không tiếp tục mối lương duyên.
Thành tích: hạng ba Tiger Cup 2002. Thi đấu 10 trận, thắng 5, hòa 3, thua 2, hiệu số 27-18.
Alfred Riedl (2003, 8 tháng)
Từ Kuwait, HLV Riedl trở về để cứu vãn cho hy vọng giành HC vàng SEA Games trên sân nhà. Ông dùng toàn bộ lứa U23 để đá Vòng loại Asian Cup và gây tiếng vang với chiến thắng 1-0 trước đội bóng từng vào bán kết World Cup 2002 là Hàn Quốc. Tại SEA Games năm đó, đội U23 Việt Nam chơi khá hay nhưng lại thua Thái Lan ở hiệp phụ trận chung kết. Sau đó, do VFF chậm chân nên ông Riedl một lần nữa trở lại vùng Vịnh.
Thành tích: HC bạc SEA Games 2003. Thi đấu 6 trận, thắng 3, hòa 0, thua 3, hiệu số 8-13.
Edson Tavares (2004, 9 tháng)
Đây là cuộc "hôn nhân" thảm họa với VFF khi ông Tavares không còn như những hồi tưởng từ thời 1995. Ông đã bộc lộ đầy đủ những mặt hạn chế của mình khi dẫn dắt đội Việt Nam và VFF phải chấm dứt hợp đồng ngay giữa Tiger Cup 2004. HLV Trần Văn Khánh được cử thay ông Tavares dẫn dắt nốt trận còn lại ở giải này.
Thành tích: thi đấu 10 trận, thắng 3, hòa 2, thua 5, hiệu số 18-15.
Alfred Riedl (2005-2007, 2 năm 8 tháng)
Đây cũng là giai đoạn đầy thành công nữa của ông Riedl với hàng loạt cột mốc đáng nhớ, trong đó đỉnh cao là việc lọt vào tứ kết Asian Cup 2007 - thành tích cao nhất của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, việc không thành công trong mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam lên đứng đầu khu vực khiến ông phải chia tay ngay tại Korat (Thái Lan).
Thành tích: vào tứ kết Asian Cup 2007, lọt vào vòng loại thứ ba Olympic 2008, HC bạc SEA Games 2005, hạng Ba AFF Cup 2007, thứ nhì Kings Cup 2006. Thi đấu 15 trận, thắng 5, hòa 3, thua 7, hiệu số 29-27.
Henrique Calisto (2008-2011, 2 năm 10 tháng)
Xét về số lượng huy chương, số trận thắng, HLV Calisto không bằng ông Riedl nhưng ông vẫn được coi là HLV ngoại thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi đưa đội Việt Nam lần đầu chinh phục đỉnh cao khu vực. Đầu năm 2011, ông tự chấm dứt hợp đồng và bồi thường để đến Muang Thong United.
Thành tích: Vô địch AFF Cup 2008, HC bạc SEA Games 2009, bán kết AFF Cup 2010. Thi đấu 32 trận, thắng 9, hòa 11, thua 12, hiệu số 38-41.
Falko Goetz (2011, 7 tháng)
Ông Goetz được Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đánh giá là HLV giỏi nhất từng dẫn dắt đội Việt Nam, nhưng ở SEA Games 2011, đội đã trắng tay với lối đá bạc nhược. Ông bị VFF tuyên bố sa thải khi đang đón Giáng sinh ở quê nhà.
Thành tích: thi đấu 5 trận, thắng 3, thua 2, hiệu số 15-6.
Phan Thanh Hùng (2012, 6 tháng)
HLV Phan Thanh Hùng nhận nhiệm vụ đưa đội Việt Nam vào bán kết AFF Cup 2012 nhưng cuối cùng đội đã bị loại từ vòng bảng dù thành tích đá giao hữu trước giải khá tốt. VFF đã chấm dứt hợp đồng với HLV người Đà Nẵng sau giải đấu.
Thành tích: thi đấu 12 trận, thắng 5, hòa 3, thua 4, hiệu số 12-10.
TT | HLV đội tuyển | Thời gian | Trận | Thắng | Hòa | Bại | BT | BB | Điểm |
1 | Edson Tavares | 1995 | 1 | 1 | 0 | 0 | 1 | 0 | 3 |
2 | Karl-Heinz Weigang | 1995-97 | 17 | 9 | 2 | 6 | 37 | 33 | 29 |
3 | Trần Duy Long | 1997 | 5 | 0 | 0 | 5 | 2 | 17 | 0 |
4 | Lê Đình Chính | 1997 | 1 | 0 | 0 | 1 | 0 | 4 | 0 |
5 | Colin Murphy | 1997 | 6 | 3 | 1 | 2 | 9 | 6 | 10 |
6 | Alfred Riedl | 1998-00 | 24 | 12 | 5 | 7 | 54 | 21 | 41 |
7 | Dido | 2001 | 6 | 3 | 1 | 2 | 9 | 9 | 10 |
8 | Henrique Calisto | 2002 | 10 | 5 | 3 | 2 | 27 | 18 | 18 |
9 | Nguyễn Thành Vinh | 2003 | 1 | 0 | 0 | 1 | 0 | 5 | 0 |
10 | Alfred Riedl | 2003 | 6 | 3 | 0 | 3 | 8 | 13 | 9 |
11 | Edson Tavares | 2004 | 10 | 3 | 2 | 5 | 18 | 15 | 11 |
12 | Trần Văn Khánh | 2004 | 1 | 1 | 0 | 0 | 3 | 0 | 3 |
13 | Alfred Riedl | 2005-07 | 15 | 5 | 3 | 7 | 29 | 27 | 18 |
14 | Henrique Calisto | 2008-11 | 32 | 9 | 11 | 12 | 38 | 41 | 38 |
15 | Falko Goetz | 2011 | 5 | 3 | 0 | 2 | 15 | 6 | 9 |
16 | Phan Thanh Hùng | 2012 | 12 | 5 | 3 | 4 | 12 | 10 | 18 |
17 | Hoàng Văn Phúc | 2013-nay | 2 | 0 | 0 | 2 | 1 | 3 | 0 |
Vy Khanh