Vào sân thay người bốn phút cuối cùng của một trận đấu ở Cup quốc gia Hà Lan, nên Văn Hậu không chỉ nhận những lời chúc mừng. Có nhiều thông tin nghi ngờ, cho rằng đó là một cách để "câu view" của đội bóng Hà Lan với mục đích cuối cùng là thu hút thêm các nhà tài trợ đến từ Việt Nam. Về chuyên môn, bốn phút đúng là một khoảng thời gian quá ít ỏi, chẳng nói lên được gì nhiều.
Nhưng có một sự thật: chuyện Văn Hậu được vào sân đã lan toả kinh khủng. Không chỉ ở Việt Nam, truyền thông Hà Lan rồi Thái Lan... cũng đề cập đến. Cho nên, vì thương mại hay chuyên môn vẫn là điều tốt cho Văn Hậu và hình ảnh của bóng đá Việt Nam. Hãy làm một phép so sánh nhỏ. 10 năm trước, Lê Công Vinh từng sang đá cho Leixoeis ở Bồ Đào Nha, vốn không quá kém cạnh gì so với Hà Lan. Công Vinh được thi đấu từ rất sớm ở giải vô địch quốc gia, có bàn thắng ở Cup Quốc gia, nhưng khi kết thúc ba tháng chơi bóng tại châu Âu thì hầu như chẳng ai nhớ đến. Lúc đó, bóng đá Việt Nam cũng đang nổi đình nổi đám với chức vô địch AFF Cup 2008. V-League lúc đó còn được xếp vào top 50 thế giới.
Tại sao Công Vinh đi ba tháng, đá nhiều trận, mà không được quan tâm quá nhiều? Có thể vì lúc đó mạng xã hội chưa phát triển. Cũng có thể vì chẳng ai thấy có triển vọng tốt đẹp nào.
Còn bốn phút của Văn Hậu thì bản chất khác.
Từ khi sang Hà Lan, hậu vệ trẻ của Việt Nam luôn được đăng ký thi đấu ở các trận thuộc giải vô địch lẫn Cup Quốc gia, và cuối cùng thì sau ba tháng anh cũng được vào sân thay người khi trận đấu gần như an bài. Đó không thể là một kịch bản của hợp đồng thuần túy quảng cáo. Nếu đúng kịch bản, phải là 40 phút hoặc nhiều lần bốn phút như vậy để thu hút sự quan tâm của công chúng đến từ Việt Nam.
Ngược lại, sau chừng đó thời gian, Văn Hậu vẫn chỉ được trao bốn phút trên sân. Nó nói rằng, cầu thủ của Việt Nam chưa đủ tốt để có một vị trí dự bị chiến lược, chứ đừng nói đến khả năng đá chính. Nhưng vậy mới tốt. Rõ ràng Heerenveen vẫn xem xét Văn Hậu như một người có khả năng để thi đấu. Họ chưa có kế hoạch sử dụng Văn Hậu trước mắt, không có nghĩa là anh chỉ được điền tên vào cho đúng thủ tục. Cơ hội vào sân của Văn Hậu phụ thuộc khá nhiều vào năng lực của anh, cùng chờ đợi vào may mắn khi người đá chính đánh mất phong độ.
Nên có thể bốn phút ít ỏi của Văn Hậu quý hơn tổng thời gian mà Công Phượng chơi ở K-League, tốt hơn ba tháng Công Vinh tại Bồ Đào Nha. Với bóng đá Việt Nam, bốn phút đó là câu trả lời cho một nền bóng đá sau 40 năm bị trói trong câu hỏi: Chúng ta mạnh ở đâu?
Có một quan điểm đã trở thành lối mòn trong suy nghĩ của những người làm bóng đá lẫn CĐV: Bóng đá Việt Nam có ưu điểm về kỹ thuật, phù hợp với bóng đá tấn công. Suy nghĩ này hình thành trong thời gian ít giao lưu với bóng đá thế giới, không thi đấu quốc tế cũng như chưa có tham vọng gì. Bóng đá Việt Nam có thời gian chỉ đá với các đội bóng trong khối Xã hội chủ nghĩa, ít nhiều chỉ mang ý nghĩa hữu nghị, tính hơn thua không cao. Đá như vậy, thì dễ để chơi tấn công, trình diễn. Tự nhiên có cảm giác cầu thủ Việt Nam có tố chất "hơn người" về kỹ thuật.
Nhưng kỳ thực, khi mở cửa, được xem bóng đá thế giới chơi bóng hàng tuần trên truyền hình, ai cũng thấy đó không phải là ưu điểm hoặc thế mạnh. Hay nói đúng hơn, đó không phải là tố chất để chúng ta có thể tiến xa ra thế giới.
Trong số các danh thủ lừng lẫy của bóng đá Việt Nam, bên cạnh những cái tên trên hàng công vốn được ưu ái, thì các danh thủ tầm cỡ được châu lục thừa nhận có thủ thành Phạm Văn Rạng, trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang, sau này là Vũ Như Thành và bây giờ, tạm thời xem Đoàn Văn Hậu và thủ thành Đặng Văn Lâm là những cái tên có thể đặt bóng đá Việt Nam lên trên bản đồ thế giới.
Dù không được thừa nhận và yêu mến rộng rãi, gần như cách mà bóng đá Việt Nam tạo được các dấu ấn trên tầm châu lục hay thế giới đều từ lối chơi phòng ngự - phản công, bắt buộc tạo dựng mọi cơ hội trên nền tảng vững vàng trong phòng thủ. Còn ở tầm Đông Nam Á, thành – bại của các đội tuyển Việt Nam đều liên quan đến sự tốt hay tệ của hàng phòng ngự.
Nghĩa là Việt Nam đã đi... nhầm đường khi muốn cải thiện đẳng cấp. Chúng ta luôn muốn "xuất khẩu" cầu thủ theo cách mà chúng ta thích chứ không phải những gì tốt nhất, đó là các cầu thủ ở hàng sau. Sau Lê Huỳnh Đức, đến Công Vinh, Việt Thắng, và sau này là Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... đều thất bại trên tư cách là những cầu thủ tấn công. Quan điểm sai lầm này còn tác động đến cả những người như bầu Đức khi các cầu thủ ở học viện của ông không được đào tạo kỹ năng phòng thủ. Điều này, thực ra cũng đã được thấy rõ ở V-League nhưng ít ai chịu thừa nhận. Các cầu thủ tấn công của Việt Nam thực ra đã "thua ngay trên sân nhà" trước các ngoại binh, nhưng cứ cố chấp đòi xuất khẩu cầu thủ trên hàng công.
Đấy là giá trị của bốn phút mà Văn Hậu đã có. Nếu Heerenveen và bầu Hiển chỉ bắt tay kinh doanh, họ sẽ chọn một cầu thủ ở hàng công, người có nhiều CĐV và cơ hội ra sân theo kiểu "có mặt lấy tiền" vẫn dễ hơn một cầu thủ đá phòng ngự. Nhưng cái điểm hay là Việt Nam đang có một hậu vệ sang châu Âu chơi bóng. Điều này cho thấy sự tiến bộ đáng ghi nhận về thể chất của người Việt Nam, ghi nhận sự đặc sắc và ưu thế của bóng đá Việt Nam mà trước đây vẫn cố tình không thừa nhận. Đưa một cầu thủ ghi bàn sang châu Âu, rồi ghi bàn để "lên hình" thì ai cũng muốn, nhưng về lâu dài, nếu Việt Nam có những cầu thủ phòng ngự được chơi bóng đỉnh cao, thì mới thật sự là đáng quý cho nền bóng đá đang từ bé nhỏ muốn đạt đến đẳng cấp châu Á.
Không có gì xấu hổ đến mức phủ nhận ưu thế của bóng đá Việt Nam là phòng ngự, là kiên cường và nhiều mưu mẹo. HLV Park Hang-seo thực tế bắt đầu xây dựng thành công dựa trên những ưu điểm của hàng phòng thủ và cơ hội giành vé vào World Cup hay Olympic sắp tới chắc chắn cũng từ đây.
Còn với bóng đá Việt Nam, hãy bắt đầu trở lại trong tư duy xây dựng con người từ bốn phút của Văn Hậu.
Song Việt