Xuất phát điểm là một sĩ quan cảnh sát, nhưng tiếng gọi đầy ma lực của quả bóng tròn đã khiến chàng trai ấy trả lại áo mũ cho nhà nước để dấn thân vào thảm cỏ xanh. Khi kết thúc sự nghiệp thi đấu cách đây gần 10 năm, Kiatisuk đã có 131 lần khoác áo đội tuyển quốc gia và ghi 70 bàn. Đấy đều là những kỷ lục. Sự nghiệp dài hơi mà Kiatisuk có được là nhờ tình yêu vô điều kiện với bóng đá.
Nói về Kiatisuk, người ta còn nhớ đến những nụ cười hồn nhiên và ấm áp đến mức các đối thủ cũng phải... yêu. Thế hệ vàng của Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Trần Công Minh đã bao lần đón nhận những thất bại đau đớn trước Thái Lan, nhưng họ không hề căm ghét Kiatisuk. Cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn khi miêu tả Kiatisuk cũng phải dùng đến từ "toàn diện". "Đấy là một tài năng hiếm có của Đông Nam Á, chơi bóng bổng và bóng sệt đều giỏi, kỹ năng dứt điểm toàn diện. Kiatisuk cho thấy anh ấy cực kỳ xứng đáng với biệt danh 'Zico Thái' mà các bạn bè và sau này là báo giới hay gọi", Hồng Sơn nhận xét.
Khi một cầu thủ được chính những bại tướng của mình trân trọng, anh ta hẳn là một tài năng đặc biệt.
Sinh ra để thành huyền thoại
Kiatisuk sinh ra như để làm vua bóng đá của Đông Nam Á. Khi còn là cầu thủ, anh là một trong những cầu thủ hiếm hoi trong lịch sử khu vực được CLB của Anh Huddersfield Town tuyển mộ. Cho dù anh không thi đấu được trận nào, đấy cũng là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp.
Rồi anh đến Hoàng Anh Gia Lai, thoạt đầu ngỡ như chỉ là một bản hợp đồng mang tính thương mại vì doanh nhân Đoàn Nguyên Đức muốn phát triển công việc làm ăn sang Thái Lan. Nhưng chính tài năng và tình yêu bóng đá đã giúp Kiatisuk chinh phục tất cả những người hâm mộ Việt Nam. Giúp HAGL vô địch ngay mùa đầu tiên thăng hạng, Kiatisuk lập tức trở thành thần tượng ở phố núi. Khi giải nghệ vào năm 2006, anh là cầu thủ nước ngoài được yêu mến nhất vào thời điểm ấy.
Khi Kiatisuk treo giày cũng là thời điểm bóng đá Thái Lan rơi vào cơn khủng hoảng thế hệ như Việt Nam. Họ cũng một thời gian dài không thể vô địch AFF Cup và không còn giữ được thế thống trị ở các cuộc tranh tài SEA Games. Nhưng người Thái không đứng yên. Một cuộc cách mạng toàn diện được thực hiện với sự chung tay góp sức của cả nền bóng đá, mở rộng ra là của cả một quốc gia. Và trong cuộc cách mạng ấy, cái tên Kiatisuk được xem là một hạt giống tốt.
Khi thời cơ chín muồi, trải nghiệm cầm quân ở cấp độ CLB cũng đủ đầy, Kiatisuk chính thức cầm đội tuyển U23 vào năm 2013 và sau đó là tiếp quản luôn đội tuyển quốc gia. Lúc này, lứa cầu thủ mà người Thái ươm mầm từ cuộc cách mạng năm nào đã trưởng thành. Và không ai nhắc nhở họ về tham vọng và vị thế số một của người Thái trong quá khứ tốt hơn là Kiatisuk.
Trận đầu tiên của Kiatisuk trên ghế huấn luyện đội tuyển là giao hữu với Trung Quốc vào tháng 6/2013, trận ấy Thái Lan đại thắng 5-1. SEA Games 27 tại Myanmar cũng năm đó, Kiatisuk mang U23 Thái trở lại ngôi vương sau nhiều năm sa sút. Tiếp nối là hành trình vào bán kết ASIAD 2014 và chức vô địch AFF Cup 2014. Tức là chỉ sau hai năm, một Kiatisuk từng là cầu thủ huyền thoại đã trở thành HLV huyền thoại. Bây giờ, trong đầu anh là một ước mơ lớn hơn, cháy bỏng hơn: World Cup!
Bạn bè vẫn thường nói đùa rằng Kiatisuk giã từ công tác giữ gìn trị an, nhưng lại càng khiến cho an ninh vốn bất ổn ở Thái Lan trở nên tốt đẹp hơn vì khi anh đá bóng cũng như khi anh đứng bên đường pitch, cả đất nước sẽ giữ trật tự để xem Thái Lan thi đấu.
Kiatisuk Việt Nam, anh ở đâu?
Càng hâm mộ Kiatisuk bao nhiêu, người Việt Nam lại càng khát khao có được một nhân vật như Kiatisuk trên ghế huấn luyện đội tuyển bấy nhiêu. Còn gì tuyệt vời hơn là một cầu thủ huyền thoại tiếp tục xây dựng hình tượng trên vai trò một HLV. Nhưng giấc mơ quả thực còn rất xa vời bởi sự cách biệt quá xa giữa hai nền bóng đá.
Kiatisuk rất giỏi, nhưng anh cũng rất may mắn khi là một phần trong sự thăng tiến đồng bộ của cả một nền bóng đá. Khi lên cầm đội U23, trong tay Kiatisuk là những hạt giống tốt, là một môi trường chuyên nghiệp, chứ không phải là bầu không khí luôn đậm đặc những hoài nghi và bất ổn như đội tuyển Việt Nam. Anh được Liên đoàn ủng hộ, được truyền thông yêu mến và người hâm mộ sùng ngưỡng, chứ không phải sống trong cái cảnh phập phồng "ghế HLV bốn chân thì cầu thủ giữ hết ba chân". Anh cũng không bao giờ lâm vào cảnh chỉ sau một thất bại là bị cả một quốc gia, trong đó có cả những người ở liên đoàn đòi sa thải.
Người Việt Nam mấy ai không từng mơ ước Lê Huỳnh Đức hay Nguyễn Hữu Thắng lên cầm đội tuyển, sau khi có được thành công ở cấp độ CLB. Vậy có ai từng đặt câu hỏi vì sao họ chưa lên - hay chính xác là chưa chịu lên? Mỗi người có một lý giải khác nhau, nhưng chắc chắn rằng khi nào cả một nền bóng đá còn xây nhà từ nóc và nhiều người chỉ thích tỉa cành cắt lá mà quên mất cái gốc đã mục ruỗng, thì chừng ấy chúng ta vẫn vô vọng trên con đường kiếm tìm những Kiatisuk của Việt Nam.
Bản thân Kiatisuk từng hai lần dẫn dắt HAGL năm 2006 và 2010 nhưng đều không thể thành công.
Hoài Thương