Trên khán đài sân Hàng Đẫy hôm 3/4, cựu HLV Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành ngồi cạnh Philippe Troussier - chuyên gia của Trung tâm PVF. Ở dưới sân, đội bóng người nhà của họ bị Viettel vùi dập với tỷ số 0-3, ngay trong trận đấu ra mắt của HLV trẻ Phùng Thanh Phương. Rất nhiều lần, máy quay hướng về ông Vũ Tiến Thành như đặt câu hỏi: Liệu lần này ông có quay lại cầm sa bàn để "cứu" đội hay không?
Nhưng nếu có trở lại làm HLV bây giờ, ông Thành cũng chưa chắc có thể giúp Sài Gòn FC. Sau thất bại thứ tư liên tiếp, đội bóng năm ngoái đoạt HC đồng, nay thua tới năm trận chỉ qua bảy vòng. Với kết quả này, họ không còn cơ hội có mặt trong top 6 vào đua vô địch ở giai đoạn II. Về lý thuyết, điều này chỉ xảy ra nếu Sài Gòn FC toàn thắng cả sáu trận còn lại của giai đoạn I. Trong lịch sử V-League, đã có những HAGL, Đồng Tâm Long An, Hà Nội FC và SLNA từng thắng bảy rồi tám trận liền. Nhưng đó là khi các đội bóng này đang chơi tưng bừng, chứ không phải sa sút không phanh như Sài Gòn FC hiện tại.
Đây cũng không phải là lúc để nói Sài Gòn FC hay CLB TP HCM còn bao nhiêu cơ hội vô địch. Bởi trên thực tế, hai đại diện của bóng đá TP HCM đang đối diện nguy cơ rớt hạng không hề nhỏ.
Những kịch bản khó tin nhất hoàn toàn có thể xảy ra với thể thức thi đấu và mức độ cân bằng của V-League hiện nay. Hà Tĩnh lấy phòng ngự theo kiểu đổ bê tông làm nền tảng thành công, đá sáu trận mới thủng lưới sáu bàn. Nhưng đội bóng ấy, trên sân nhà, lại để thủng lưới tới năm bàn chỉ trong 90 phút rượt đuổi tỷ số điên rồ với Thanh Hóa. Quảng Ninh, đội bóng mà các cầu thủ bị nợ lương suốt tám tháng, nội bộ rối như tơ vò, thắng bốn trong năm trận gần nhất để xếp thứ hai, bám sát đầu bảng HAGL.
Thực tế ấy cho thấy V-League giờ không có đội nào yếu cả. Thậm chí, số trận thua và hiệu số bàn thắng - thua của CLB TP HCM lẫn Sài Gòn FC đều kém Hà Tĩnh - đội hiện đứng chót bảng.
Dựa trên số liệu mùa 2020, một đội muốn trụ hạng an toàn cần phải có tối thiểu 14 điểm sau khi kết thúc giai đoạn I, và đặc biệt, không thua quá bảy trận. Mùa trước, Hải Phòng, Nam Định và Quảng Nam đều có ít hơn 14 điểm, trong đó Nam Định, Quảng Nam để thua đến tám trận. Đây cũng là những đội phải đua trụ hạng đến tận vòng cuối, và Quảng Nam là cái tên duy nhất rớt xuống hạng Nhất.
Theo thể thức hiện tại, một suất xuống hạng trực tiếp cho đội chót bảng, còn đội áp chót phải đá play-off với á quân giải hạng Nhất. Nếu cả hai đại diện của bóng đá TP HCM chia nhau hai suất cuối đó, thì đúng là bi kịch. Thi đấu thì có thành công, có thất bại, nhưng cuộc khủng khoảng của hai đội bóng này lại là vấn đề của niềm tin. 2021 là mùa mà cả Sài Gòn FC lẫn CLB TP HCM muốn tạo khác biệt, nhưng lại có thể biến thành cơn ác mộng.
Có vẻ như các nhà quản lý ở hai đội này không tính đến rủi ro mà thể thức thi đấu mùa 2021 đem đến. Ở một mùa bình thường, một đội thua đến tám trận, vẫn có thể vô địch, vì trên cả chặng đường dài, họ có thể điều chỉnh, sửa chữa. Nhưng đá chia nhóm theo hai giai đoạn thì hết cơ hội. Những đầu tư của Sài Gòn FC với dàn cầu thủ và HLV người Nhật Bản, cũng như hệ thống bốn ngoại binh đá trên hàng công của TP HCM cho thấy họ muốn vô địch. Nhưng cả hai đã thiếu sự tính toán cẩn trọng ở giai đoạn khởi đầu. Các thay đổi ấy đều cần thêm thời gian để vận hành trơn tru, hay nói cách khác, ban đầu, họ phải chơi bóng an toàn.
Thực tế bảy vòng vừa qua cũng phản ảnh phần nào những chiến lược vội vã của hai đội bóng này. CLB TP HCM tung tiền mua sắm cầu thủ tứ phương, thuê toàn "hàng hiệu", thành lập học viện đào tạo bóng đá trong cùng thời gian ngắn. Nhưng họ lại quên mất việc đầu tiên phải làm là tạo ra bản sắc của đội bóng và giữ cho thành tích ổn định tại V-League. Các ông chủ mới của Sài Gòn FC, trong mùa thứ hai làm bóng đá, nhận chuyển giao Trung tâm PVF, thực hiện chiến lược "J-League hóa", rồi cũng thay lực lượng ồ ạt dẫn đến đổi luôn phong cách chơi bóng.
Những gì hai đội này làm đương nhiên là không có gì sai. Nhưng ở V-League, có một nguyên tắc "bất thành văn", đó là phải có thành tích thi đấu tốt rồi mới nên làm chuyện khác.
Bởi nói cho cùng, làm gì thì làm, phải kéo được khán giả đến sân, phải có yếu tố "màu cờ sắc áo". Nói hay thì dễ, nhưng làm mới khó. Hà Nội đá suốt bảy năm, vô địch ba lần, mới có thể khiến cho khán đài B sân Hàng Đẫy đông khán giả ở một vài trận cầu đinh. Viettel, dù mang danh là "hậu duệ Thể Công", vẫn phải cố gắng đến mùa thứ hai chơi V-League phải lên ngôi vô địch, hòng thu phục các CĐV Thể Công ngày trước. Nếu không có hai chức vô địch liên tiếp ngay từ khi đá V-League, liệu bầu Đức có mạnh dạn đầu tư học viện HAGL và chờ đến bảy năm sau mới xuất hiện lứa U19 hay không? Bình Dương đã bốn lần vô địch V-League, nhưng hệ thống đào tạo trẻ của họ vẫn chưa tạo ra được dấu ấn gì.
Ngược lại, ở TP HCM, trước khi CLB TP HCM và Sài Gòn FC xuất hiện, bóng đá nơi này từng chứng kiến bài học đau đớn của Navibank Sài Gòn và Sài Gòn Xuân Thành. Hai đội này cũng từng xuất hiện đột ngột theo một cách tương tự, cũng "vẽ" ra nhiều dự án lớn về đào tạo, hợp tác quốc tế. Nhưng chỉ cần đá ba năm không có thành tích, họ cũng "bay màu".
Suốt năm năm qua, dù có hai đội đá V-League, sân Thống Nhất vẫn "đội sổ" về lượng khán giả. 20 năm chờ đợi một danh hiệu là thời gian quá dài đối với người hâm mộ bóng đá TP HCM, kể từ lần gần nhất một đại diện của họ vô địch quốc gia - Cảng Sài Gòn ở mùa 2001-2002. Người hâm mộ TP HCM cũng có quyền nghi ngờ những chiến lược hoành tráng của các ông bầu bóng đá ở Sài Gòn FC và CLB TP HCM. Điều đó cho dù là cần thiết, nhưng không phải là lúc này.
Thế nên, không thể vào top 6 để đua vô địch là một thất bại nặng nề của bóng đá TP HCM. Nó có thể là điểm khởi đầu cho một cuộc khủng khoảng mới ở làng cầu danh tiếng này.
Song Việt