Bóng đá còn lại gì một khi Cristiano Ronaldo và Lionel Messi giải nghệ? Câu trả lời là vẫn còn... bóng đá. Lịch sử đã sôi động trước lúc họ xuất hiện, nó sẽ tiếp tục như thế khi họ lui vào hậu đài. Vì con người sống là để vượt thoát khỏi quá khứ. Không có khát vọng ấy, loài người không có văn minh.
Công chúng đôi khi hơi vội vàng trong việc đặt biệt danh cho những siêu sao. Khi Pele đi vào lịch sử với ba lần vô địch thế giới và hàng nghìn bàn thắng ở Santos, người ta đã tôn vinh ông với một biệt danh gần như tuyệt đối: "Vua bóng đá". Tất nhiên, biệt danh này cũng hoàn toàn xứng đáng. Cùng thời với Pele, có biết bao danh thủ lẫy lừng khác như Alfredo di Stefano, Ferenc Puskas hay Raymond Kopa. Ngay trong đội tuyển Brazil thôi, Pele đá cùng với những quái kiệt như Didi hay Garrincha, nhưng tất cả đều phải ngả mũ trước Pele.
Pele có thân hình đúng chuẩn VĐV, chắc nịch nhưng vẫn thanh thoát. Vào thời điểm mà luật bóng đá chưa bảo vệ các cầu thủ tấn công như hiện nay, vẫn không có một hậu vệ nào triệt hạ nổi Pele. Ông luôn nhanh hơn ý đồ chơi xấu của đối thủ. Lần đầu tiên Pele phải lên bàn mổ là năm ông... 58 tuổi. Ông từng được nhiều nguyên thủ quốc gia đón tiếp rất trọng thể. Khi Brazil vô địch World Cup lần đầu, họ đánh bại chủ nhà Thụy Điển 5-2. Kết thúc trận đấu, Quốc vương Thụy Điển Gustaf xuống tận sân để... chúc mừng Pele.
Đối thủ của Pele trong các trận đấu xuyên suốt sự nghiệp cũng tôn sùng ông, họ coi việc bị ông đánh bại là... vinh dự. Chính phủ Brazil không cho phép Santos chuyển nhượng Pele sang châu Âu vì xem ông như quốc bảo. Năm 1977, Pele ra tự truyện "Tôi là Pele" và nhận... huy chương vàng của Bộ giáo dục. Nghe có vẻ không liên quan, nhưng thực ra có căn nguyên. Số là trong năm 1977, Brazil là quốc gia có tỷ lệ dân mù chữ thuộc nhóm đông nhất thế giới. Nhưng vì quá khao khát đọc những gì Pele viết trong sách, dân Brazil rủ rê nhau đi học chữ. Chỉ một cuốn sách, vậy mà hiệu quả "xóa mù chữ" còn ghê gớm hơn hàng loạt chính sách của chính phủ.
Một câu chuyện khác nói lên tầm vóc vĩ đại của Pele, đó là ông siêu đến mức không hãng thể thao nào dám ký hợp đồng. Trong hai thập niên 1960 và 1970, Adidas và Puma là hai hãng thể thao mạnh nhất (Nike chỉ thành lập vào năm 1971) và tất nhiên ai cũng muốn ký với Pele. Nhưng họ biết một điều: mình cứ đưa một hợp đồng cho Pele thì hãng kia sẽ trả cao hơn. Và vì Pele là nhân vật kiệt xuất nhất thế giới thể thao lúc ấy, ký với Pele thì coi như toàn thắng trên mặt trận makerting. Biết mình sẽ phải đổ rất nhiều tiền của, thời gian lẫn chất xám, lãnh đạo Adidas và Puma ký "hiệp ước Pele", đồng ý... không ai tiếp cận Pele để mời quảng cáo nữa.
Nhưng lãnh đạo Puma đã nghĩ ra trò ma giáo. Họ cử một nhân vật tên Hans Henningsen đến Brazil. Người này là một phóng viên, khá thân cận với đội tuyển Brazil vào lúc ấy. Ông đưa ra một đề nghị: trả cho Pele 120.000 đôla (tương đương 735.000 đôla ngày nay) chỉ để Pele làm một việc: cột giây giày trước trận đấu với Peru ở World Cup 1970. Tất nhiên trận đấu chẳng thể bắt đầu nếu "Vua bóng đá" còn chưa cột xong giây giày. Lúc này, các camera sẽ buộc phải lia lại gần Pele xem ông mang giày gì (Puma tất nhiên là... mua luôn đội camera) và phát hiện đấy là một đôi Puma. Lãnh đạo Adidas chỉ còn biết tức xịt khói vì trò ma mãnh của đối thủ.
Đấy chỉ là một câu chuyện nhỏ, nói lên sự vĩ đại của Pele. Và khi Pele nghỉ, thế giới tin rằng sẽ không còn ai có thể sánh ngang được với "Vua bóng đá". Nhưng ở châu Âu, đã xuất hiện một thiên tài khác. Phong cách chơi bóng của người ấy đĩnh đạc, chính xác đến từng centimet, tấn công hay phòng ngự đều xuất chúng. Vị này mang Đức đến chức vô địch Euro và World Cup trong hai năm liên tiếp (1972 và 1974). Nhưng vì đã gọi Pele là "Vua", công chúng bèn gọi Franz Beckenbauer là "Hoàng đế".
Những tưởng "Vua" và "Hoàng đế" đã là những đỉnh cao nhất thì trong thập niên 1980, Diego Maradona xuất hiện. Ông chơi thứ bóng đá cảm xúc hơn nhiều so với hai tiền bối, khả năng "gánh team" không ai bì kịp, mang Argentina thuộc hàng yếu nhất lịch sử đến chức vô địch World Cup 1986, đặt Napoli lên bản đồ bóng đá Italy và châu Âu. Nhưng không thể gọi Maradona là "Vua" hay "Hoàng đế" được nữa, công chúng nghĩ ra một biệt danh mới: "Cậu bé vàng". Người Argentina, trong phút giây chếnh choáng, còn tự thán: rồi Chúa sẽ chẳng bao giờ sản sinh ra một thiên tài thứ hai như thế.
Nhưng Chúa hồi đáp rất nhanh. Trong thập niên 1990, Ronaldo xuất hiện. Anh bỏ khái niệm "bóng đá là môn chơi tập thể" vào thùng rác. Anh một mình một bóng, đơn thân độc mã đánh sập hàng phòng ngự đối phương. Maradona có bàn thắng để đời vào lưới đội tuyển Anh ở World Cup 1986 khi một mình dốc bóng qua toàn bộ hàng thủ đối phương, kể cả thủ môn. Ronaldo ghi những bàn kiểu ấy... nhiều như cơm bữa.
Mới đây, Marcel Desailly tiết lộ trong một bài phỏng vấn rằng cả đời thi đấu, Paolo Maldini cóng nhất là khi đối đầu Ronaldo. Ngày ấy Maldini đang đỉnh cao phong độ, khả năng tắc bóng mười quả như một, HLV đã chỉ thị kèm ai thì theo sát như cảnh sát còng tay tội phạm. Vậy mà dù có Desailly bên cạnh hỗ trợ, Maldini vẫn tim đập chân run trước trận đấu có Ronaldo.
Desailly nói với tờ Mundial: "Trước trận derby với Inter, Maldini nói với tôi: 'Này Marcel, ông làm ơn đứng sát vào tôi, đừng bao giờ tách xa quá. Khi dâng lên bắt nó (Ronaldo), ông phải lên một lượt. Phải hai đánh một mới mong đoạt lại quả bóng'. Đấy là lần duy nhất tôi thấy Maldini lo âu".
Maldini còn sợ, hỏi sao các hậu vệ khác không run. Các trung vệ lẫy lừng nhất cùng thời khi được hỏi ai là tiền đạo đáng sợ nhất đều lập tức bật ra cái tên "Ronaldo". Khi chứng kiến Ronaldo ghi bàn vào lưới Compostela sau một cú solo từ giữa sân, HLV Sir Bobby Robson chỉ còn biết... ôm đầu vì cậu học trò quá siêu việt. Có tiền đạo mạnh về tốc độ, có người cậy sức, có người thì khéo léo, Ronaldo là tiền đạo "ba trong một". Anh đã đối mặt thì thủ môn ấy gần như chỉ có vào lưới nhặt bóng. Nhưng vì thế giới đã có "Vua", "Hoàng đế" và "Cậu bé vàng", người ta bèn nghĩ ra thêm một biệt danh nữa: "Người ngoài hành tinh".
Đến đây thì kho tàng biệt danh của thế giới chính thức cạn kiệt. Nhưng nhân loại cũng đâu phải chờ lâu. Lần này, không chỉ một ngôi sao, mà hẳn một... cặp!
Ronaldo và Messi quả là một trường hợp cực kỳ hiếm có trong lịch sử thể thao. Xuất hiện một kỳ nhân giành đến năm Quả Bóng Vàng đã khó, nhưng 10 năm qua, thế giới chứng kiến có hai người cùng đạt được kỳ tích ấy. Kể từ lúc Kaka đoạt Quả Bóng Vàng năm 2007, không một ai ngoài hai đại nhân vật ấy chạm tay vào giải thưởng cao quý nữa. Một cậu bé 13 tuổi dậy thì thành công, lấy vợ, tốt nghiệp đại học, đi làm chán chê quay lại thấy Ronaldo và Messi vẫn còn thay nhau đứng trên bục cao nhất. Ronaldo mặt già hơn một chút, Messi thì hình xăm chi chít và râu ria nhiều hơn, nhưng cả hai vẫn chưa chịu nhường vương miện lại cho ai.
Ngay cả Pele, Beckenbauer, Maradona và Ronaldo người Brazil cũng không thiết lập được sự thống trị khủng khiếp đến thế. Lần lượt, Messi và Ronaldo đã giành bảy trong số 10 chiếc Cup Champions League gần nhất, Vua pha lưới 10 mùa ấy đều thuộc về họ. Messi ghi nhiều bàn nhất lịch sử La Liga, Ronaldo ghi nhiều bàn nhất lịch sử Champions League và cả hai đều là chân sút số một qua mọi thời đại của CLB mà mình đang khoác áo. Họ cùng nâng tầm nhau lên và khiến phần còn lại chỉ biết ngước nhìn.
Trong 10 năm qua, một cầu thủ có xuất sắc đến mấy thì phần thưởng cũng chỉ là một suất đứng cạnh Ronaldo và Messi trong "Top 3". Fernando Torres, Xavi, Antoine Griezmann, Franck Ribery, Andres Iniesta, Neymar, Manuel Neuer là những người như thế.
Sau một thập kỷ tranh cãi xem ai giỏi hơn ai, có lẽ người hâm mộ của Ronaldo và Messi cũng dần công nhận người kia. Và họ bắt đầu cảm thấy may mắn vì được xem hai siêu sao tạo nên cuộc tranh tài kỳ thú và vĩ đại bậc nhất lịch sử thể thao. Và người hâm mộ cũng bắt đầu lo sợ rằng khi họ bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp, cảm xúc và phép màu cũng không còn nữa.
Nhưng đấy tất nhiên chỉ là một sự lo xa. Bất ngờ luôn dành cho chúng ta ở phía trước, và những cột mốc sinh ra là để bị phá vỡ. Cũng giống như công chúng từng lo cho "tương lai bóng đá" sau khi Pele, Beckenbauer, Maradona hay Ronaldo giải nghệ vậy. Nhưng kết quả là bóng đá vẫn sống, vẫn làm trái tim ta thổn thức và vẫn sản sinh ra những quái kiệt mà lịch sử chưa từng có.
Cũng giống như Usain Bolt, Michael Phelps hay Tiger Woods. Thế giới làm gì tin có những nhân vật kiệt xuất dường ấy cho đến khi họ xuất hiện. Bản chất của con người là vươn lên không ngừng, phá vỡ những giới hạn, như Albert Einstein từng nói: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức".
Và chỉ cần một chút tưởng tượng, ta sẽ thấy viễn cảnh tương lai khi không còn Ronaldo và Messi vẫn đáng chờ đợi.
Tất nhiên, nó sẽ đẹp theo một cách khác.
Hoài Thương