Kể từ mùa 1999-2000, mới có ba lần Anh không có đại diện đến vòng này ở hai giải lớn của UEFA, là năm 2003, 2015 và 2024. Ngoại hạng Anh chỉ còn một đội còn chơi tại châu Âu là Aston Villa ở Conference League - giải hạng ba UEFA và mới trải qua ba mùa.
Năm 2003, Real Madrid loại Man Utd ở tứ kết Champions League với tỷ số chung cuộc 6-5, còn Liverpool cũng gục ngã 1-3 trước Celtic tại UEFA Cup - tiền thân của Europa League. Đến năm 2015, thậm chí không có đại diện nào của Anh vào đến tứ kết hai Champions League hay Europa League.
Mùa này, Man Utd và Newcastle cùng đứng chót bảng Champions League, trong khi Man City và Arsenal lần lượt bị Real Madrid và Bayern đá văng khỏi tứ kết. Tại Europa League, Brighton bị Roma loại ở vòng 1/8, còn Liverpool và West Ham lần lượt ngã ngựa trước Atalanta và Bayer Leverkusen tại tứ kết tối 18/4. Nhiều khả năng, Italy và Đức sẽ giành năm suất dự Champions League mùa sau, chứ không phải Anh.
Thất bại của bóng đá Anh mùa này bị coi là cú sốc, theo BBC. "Ngoại hạng Anh với các CLB tỷ USD, ngày càng mạnh hơn trong những năm qua, và không ai phản đối việc đây là giải VĐQG số một châu Âu", báo viết. "10 trong 12 thương vụ chuyển nhượng cầu thủ đắt giá nhất thế giới kể từ năm 2020 thuộc về các CLB Anh. Hai trường hợp còn lại cũng là cầu thủ Anh, với Harry Kane từ Tottenham sang Bayern Munich, và Jude Bellingham rời Dortmund tới Real".
Trong 10 năm qua, có tới 13 CLB Anh chi tiêu chuyển nhượng ròng nhiều trong Top 20 thế giới. Ngay cả những đội tầm trung như Everton, Crystal Palace hay Bournemouth (trung bình 394 triệu USD) cũng tiêu nhiều hơn gã khổng lồ châu Âu Bayern và Real (355 triệu USD). Trong những chỉ số tài chính khác như quỹ lương hay doanh thu, Ngoại hạng Anh cũng không có đối thủ.
Năm năm trước, Champions League còn diễn ra trận chung kết toàn Anh giữa Liverpool và Tottenham. Ba trong năm nhà vô địch gần nhất của giải cũng đến từ Ngoại hạng Anh, gồm Liverpool, Chelsea và Man City. Sức mạnh tài chính của giải đấu này ngày càng tăng lên qua thời Covid-19, nhưng không tỷ lệ thuận với thành tích trên sân cỏ châu Âu.
Truyền thông Anh cho rằng một phần nguyên nhân nằm ở... tài chính. UEFA hiện quy định một CLB không được lỗ lũy kế quá 130 triệu USD trong ba mùa liên tiếp. Vì thế, các đội như Newcastle không được vung tiền như trước, dù có ông chủ giàu có đến từ Arab Saudi. Everton và Nottingham Forest cũng đã bị trừ điểm ở Ngoại hạng Anh vì vi phạm tài chính.
Chuyên gia bóng đá BBC John Murray bình luận cho rằng kết quả của bóng đá Anh ở châu Âu mùa này là cú sốc. "Các quy định tài chính khiến những CLB Anh phải thắt lưng buộc bụng mùa này", ông nói. "Có lẽ vì thế, các đội không còn mạnh như xưa".
Nhà báo Guillem Balague lại cho rằng nguyên nhân nằm ở sự khắc nghiệt của Ngoại hạng Anh, như lịch thi đấu dày và mức cạnh tranh cao giữa các đội trong nước. "Phải chờ năm năm mới biết liệu bóng đá Anh có ảnh hưởng bởi quy định tài chính hay không", Balague nói thêm. "Còn tôi không nghĩ như vậy. Mùa sau, bóng đá Anh sẽ trở lại vị thế vốn có. Kết quả mùa này chỉ là tai nạn".
Xuân Bình