Trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, từ Balkan là kết hợp giữa: mật ngọt (Bal) và máu đỏ (Kan). Khi đặt tên cho vùng bán đảo này, những tiền nhân của đế quốc Ottoman có lẽ cũng không thể ngờ sự kết hợp ấy còn giữ nguyên ý nghĩa suốt bảy thế kỷ sau đó.
Thế giới chẳng xa lạ gì với vùng Balkan. Bán đảo này nổi tiếng bởi những cảnh sắc như thiên đường, nhưng cũng liên miên chìm trong chiến sự. Đấy là lý do vì sao người dân ở vùng này thường có một cá tính mãnh liệt. Và bóng đá ở đây cũng thế. Nhìn các đội bóng như Bulgaria, Romania, Serbia hay Albania thi đấu, bạn không thể nói rằng họ thiếu niềm đam mê, dù cho không phải lúc nào cũng có những cầu thủ hàng đầu.
Slaven Bilic, người dẫn dắt West Ham làm náo loạn Premier League mùa trước, là một người Balkan. Sau khi thấy cậu học trò ở CLB, Dimitri Payet, ghi bàn cho tuyển Pháp, ông đã... leo lên bàn để ăn mừng ngay trong một chương trình bình luận trực tiếp. Trận đấu giữa Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ - trận derby vùng Balkan như người hâm mộ vẫn gọi - tại Euro 2008 là một trong những trận cầu hay nhất, cảm xúc nhất trong lịch sử giải đấu.
Khi đội nhà lần đầu tiên giành vé dự vòng chung kết một giải đấu lớn, gần như cả nước Albania đã tràn ra đường ăn mừng. Theo thống kê, đã có khoảng 26.000 vé xem vòng bảng Euro 2016 được bán cho các CĐV của quốc gia này. Và truyền thông châu Âu đều cho rằng sự máu lửa và sôi động của các CĐV Albania đang làm nên một vòng chung kết đáng nhớ.
Vị trí địa lý và lịch sử đặc thù khiến các quốc gia trong vùng Balkan thường xuyên lĩnh án phạt từ Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA. Khi thì họ đốt pháo sáng, như cách các CĐV Croatia đã làm trong trận đấu với CH Czech mới đây. Lúc thì họ đánh nhau, trưng ra những băng-rôn phân biệt chủng tộc... Thế nhưng, nếu đủ rộng lượng để bỏ qua những điều tiêu cực ấy, chúng ta sẽ thấy các quốc gia vùng Balkan luôn thi đấu mạnh mẽ ở những giải đấu lớn, đặc biệt là khi bị xem thường.
Chỉ là một quốc gia nhỏ, nhưng vào thời đỉnh cao, Nam Tư sở hữu một trong những giải vô địch mạnh nhất châu Âu. Niềm tự hào Red Star của họ còn vô địch Cúp C1 năm 1991. Đội tuyển đa chủng tộc của họ từng góp mặt trong tám vòng chung kết World Cup và năm vòng chung kết Euro. Ở World Cup, Nam Tư cũ còn hai lần vào bán kết hai lần và ba lần đến tứ kết. Ở Euro, có hai lần họ kết thúc ở vị trí á quân. Họ là ứng viên sáng giá cho chức vô địch Euro 1992 trước khi chiến tranh nổ ra, Đan Mạch được đôn lên thay thế và giành luôn chức vô địch thần kỳ năm ấy.
Bulgaria cũng từng vào vòng chung kết World Cup các năm 1962, 1966, 1970, 1974. Họ bất ngờ vào vòng 1/8 World Cup 1986 và về thứ tư World Cup 1994. Gần nhất, họ cũng vào được vòng bảng World Cup 1998, có mặt ở Euro các năm 1996, 2004. Romania cũng có thành công tương tự. Họ góp mặt trong bảy vòng chung kết World Cup, trong đó hai lần lọt vào vòng 1/8 các năm 1990 và 1999, một lần vào tứ kết năm 1994. Ở Euro, họ cũng từng vào vòng tám đội cuối cùng năm 2000.
Những quốc gia thoát ra khỏi Nam Tư cũng có những thành công rực rỡ. Croatia được sinh ra từ khỏi lửa chiến chinh, nhưng từng là đệ tam anh hào của World Cup 1998, trong lần đầu tiên dự một giải đấu lớn. Quốc gia có dân số chưa đến 5 triệu người ấy đã sản sinh ra những ngôi sao lớn thực thụ như Zvonimir Boban, Davor Suker, Robert Prosinecki, Darijo Srna và gần đây nhất là Luka Modric, Ivan Rakitic.
Hy Lạp, nhà vô địch năm 2004, thì kể một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất lịch sử Euro, cho dù cách họ tiến đến đỉnh vinh quang không làm mãn nhãn nhiều CĐV yêu bóng đá đẹp. Những Serbia, Montenegro, Slovenia, Bosnia & Herzegovina cũng đều giành được ít nhiều thành tựu. Và bây giờ, Balkan lại đang dõi theo một câu chuyện mới toanh mang tên Albania. Với thủ quân Lorik Cana, Albania cũng hy vọng anh sẽ trở thành một Theodoros Zagorakis của năm 2004, một Davor Suker của năm 1998 hay một Hristo Stoichkov của 1994.
Albania là một trong những đội tuyển bị đánh giá thấp nhất giải. Nhưng trên hành trình đến Pháp, họ từng đánh bại Bồ Đào Nha 1-0 ngay trên sân khách, hòa Đan Mạch cả hai lần và giành trọn vẹn ba điểm trên sân của Serbia.
Sức mạnh của Albania là một hàng thủ được tổ chức tốt, những tiền vệ tuy không có kỹ thuật vượt trội nhưng lại có một khát vọng khó ai sánh kịp. Xuyên suốt vòng loại, họ không để lọt lưới lần nào trong tất cả những trận làm khách. Sự vững vàng ấy đã được thể hiện rất rõ trong trận gặp Romania hôm qua 19/6, khi họ bị dồn vào thế chân tường. Với sự dẫn dắt của HLV người Italy Gianni De Biasi, Albania chơi thứ bóng đá phòng ngự khoa học thứ thiệt, pha thêm vào đó tinh thần quyết tử của người Balkan.
Đội tuyển ấy được dẫn dắt bởi người thủ quân Lorik Cana, sinh ra ở Kosovo. Cana đang đưa đội nhà thi đấu ở giải đấu lớn đầu tiên, trong một năm mà quê hương Kosovo của anh được UEFA và FIFA công nhận là thành viên. Từng được Arsenal để ý, sự nghiệp của Cana lần lượt đưa anh đến những CLB lớn như Paris Saint-Germain, Marseille, Galatasaray và Lazio. Kinh nghiệm ấy là vốn quý cho các đồng đội. Bản thân anh là một người đa quốc tịch, nên rất hiểu nỗi lòng của các đồng đội cũng mang trong mình những dòng máu khác. "Chúng tôi là người Albania, chiến đấu vì niềm tự hào của quốc gia mình", Cana nói.
Tối qua niềm tự hào ấy đã giúp họ giành ba điểm then chốt, để mơ về cơ hội được góp mặt ở vòng 1/8 với tư cách đội thứ ba có thành tích tốt. Để có được mật ngọt, cầu thủ Albania luôn sẵn sàng đổ máu. Lòng yêu nước đôi khi không cần cả một lịch sử nghìn năm mà chỉ là niềm tự hào tự thân như thế.
Như một cô gái đã viết trên Twitter sau khi nhìn thấy toàn đội Albania ôm nhau sau bàn thắng của Armando Sadiku: "Em ước gì có ai yêu mình như người Albania yêu nước Albania".
Hoài Thương