Ở bán kết, Nhật Bản tốn sức khi phải thi đấu năm set và thua Thái Lan 2-3. Họ cũng có ít thời gian để nghỉ ngơi hơn do thi đấu sau Việt Nam. Dù thua Trung Quốc 0-3, việc chỉ thi đấu ba set giúp các học trò của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt phần nào giữ được thể lực.
Đây là một phần lý do giúp Việt Nam nắm ưu thế trong nhiều thời điểm quan trọng ở trận tranh HC đồng chiều nay. Hai đội cũng tạo được thế trận đôi công đẹp mắt. Nhưng, đại diện Đông Á vẫn tạo được khác biệt là khả năng phòng ngự hàng sau, cùng tay đập Fuyumi Hawi.
Ở set một, Việt Nam bị dẫn trước phần lớn thời gian nhưng cố gắng bám sát để khoảng cách không vượt quá hai điểm. Khi tỷ số là 19-20, Nhật Bản mắc bốn sai lầm, trong đó có ba tình huống đập bóng ra ngoài liên tiếp, giúp Việt Nam dẫn 23-21. Sau đó, Hoàng Thị Kiều Trinh tấn công ghi điểm thứ 24, trước khi Trần Thị Thanh Thuý chắn tốt để thắng 25-21.
Sang set hai, Nhật Bản cải thiện khả năng đập bóng với 17 điểm tấn công để thắng 25-14. Set ba cũng chứng kiến hai bên giằng co với 18 điểm tấn công của Việt Nam, chỉ ít hơn một so với Nhật Bản. Đội tuyển xứ mặt trời mọc thắng 25-22.
Đến set bốn, khi bị dẫn 4-8, HLV Nguyễn Tuấn Kiệt xin dừng hội ý. Chất xúc tác về mặt khích lệ tinh thần giúp các cô gái Việt Nam chơi ấn tượng, ghi liền tám điểm để dẫn ngược 12-8. Khi tỷ số là 20-15, Nhật Bản dần rút trụ cột rời sân giữ sức cho set năm, nhưng Việt Nam cũng mất nhiều thời gian mới thắng 25-20.
Bước vào set quyết định, Nhật Bản có cú đập sau vạch 3 m dẫn 3-2. Việt Nam khiếu nại nhưng mắc sai sót, thay vì kiểm tra bóng không chạm chắn lại yêu cầu lỗi giẫm vạch của đối thủ.
Nhật Bản sau đó bung sức với những cú đập không thể cản phá của chủ công Fuyumi Hawi. Khoảng cách dần nới rộng trước khi dừng lại ở 15-11 nghiêng về Nhật Bản.
Thất bại khiến thầy trò ông Kiệt lỡ hẹn tấm HC đồng, đồng thời là suất dự giải bóng chuyền nữ vô địch thế giới 2025. Tuy nhiên, việc lần đầu lọt vào top 4 châu Á vẫn là thành tích lịch sử của bóng chuyền nữ Việt Nam.
Hiếu Lương