“Tâm lý các cầu thủ quá kém”, chuyên gia Nhật Bản Irisawa thốt lên cay đắng sau trận thua.
Việt Nam khởi đầu thuận lợi, không quá khó khăn để giành chiến thắng trong ván đấu đầu tiên với tỷ số 25-18. Nhưng ngay sau đó, các học trò của ông Irisawa liên tục mắc lỗi từ bước một, đánh ra ngoài, chắn bóng...để đối thủ ăn liền hai ván với tỷ số 25-21 và 29-27.
Ở ván đấu thứ ba, Việt Nam đã dẫn trước đối thủ 24-21, chỉ cần thêm một điểm để giành chiến thắng. Nhưng đội yếu tâm lý và không thể kết liễu, để đối phương san hoà, lên tinh thần và giành chiến thắng 29-27.
Ván đấu thứ tư, Việt Nam sớm dẫn 7-1. Indonesia biết khó đuổi kịp chủ động buông (25-15), dồn sức cho ván đấu thứ năm mang tính quyết định.
Sách lược của đội bóng xứ vạn đảo thành công mỹ mãn khi ở ván cuối họ liên tục dẫn điểm. Thời điểm tốt nhất của tuyển nữ Việt Nam là thu hẹp khoảng cách xuống 12-13. Tuy nhiên, HLV của Indonesia nhanh chóng xin hội ý, cắt đà hưng phấn của Việt Nam để rồi sau đó thắng 15-13, qua đó lọt vào chung kết với tỷ số chung cuộc 3-2.
Bóng chuyền nữ Thái Lan ở thế độc tôn tại Đông Nam Á. Việt Nam không vượt được đối thủ, nhưng cũng duy trì chắc chắn vị trí thứ hai với tám lần liên tiếp giành HC bạc ở SEA Games. Tuy nhiên, việc đào đạo trẻ kế cận của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không đạt hiệu quả, để Indonesia thu hẹp khoảng cách và vượt mặt tại SEA Games 29.
Liên đoàn Bóng chuyền có nhiều vấn đề nội bộ, dẫn tới đội tuyển xáo trộn, đặc biệt là ở vị trí thuyền trưởng. Cuối tháng 6 vừa qua, chuyên gia Irisawa đột ngột bỏ việc về Nhật Bản do làm việc trong ba tháng mà chưa được ký hợp đồng, đồng thời bị can thiệp chuyên môn.
Chỉ đến khi tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Quốc Vũ thua sốc Indonesia tại giải bóng chuyền VTV Cup, Liên đoàn mới gấp rút nói chuyện, mời lại Irisawa. Việc chuyên gia người Nhật Bản có quá ít thời gian làm việc với đội trước thềm SEA Games đã ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích.
Lâm Thỏa (từ Kuala Lumpur)