Trung Quốc hiện có 486 hãng sản xuất xe điện đăng ký hoạt động, nhiều hơn gấp 3 so với cách đây 2 năm. Dù doanh số bán xe điện được dự báo đạt kỷ lục 1,6 triệu chiếc năm nay, nó có thể vẫn chưa đủ giữ các nhà máy này hoạt động, làm dấy lên cảnh báo bong bóng sắp vỡ.
Theo BloombergNEF, vài năm gần đây, hàng chục startup đã tham gia ngành xe điện toàn cầu, huy động được 18 tỷ USD kể từ năm 2011. Phần lớn hãng huy động được nhiều tiền nhất là từ Trung Quốc, như NIO, WM Motor, Xpeng Motors hay Youxia Motors. Các startup này hứa hẹn đưa ra thị trường tổng cộng 3,9 triệu xe mỗi năm.
Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng không lớn đến như vậy. Doanh số bán xe điện năm ngoái tại đây mới lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu chiếc, theo BNEF. Con số này có được là nhờ các khoản trợ cấp hào phóng của Chính phủ, giúp giá bán giảm đáng kể. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe Trung Quốc, số xe điện bán ra chỉ chiếm 4% tổng xe hơi nói chung (23,7 triệu chiếc).
Bên cạnh đó, doanh số bán xe hơi truyền thống cũng đang lao dốc. Số liệu này hồi tháng 3 giảm tháng thứ 10 liên tiếp, do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại với Mỹ gây sức ép lên niềm tin tiêu dùng.
"Với tỷ lệ phổ cập xe tương đối thấp tại Trung Quốc, thị trường này vẫn còn dư địa khổng lồ cho xe hơi chạy nhiên liệu mới. Tuy nhiên, nó chỉ dành cho những người chơi có khả năng cạnh tranh, và những kẻ yếu nhất sẽ bị bật bãi", Cui Dongshu - Tổng thư ký Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc cho biết.
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích phát triển xe điện để giảm ô nhiễm môi trường, nhập khẩu dầu và phát triển ngành sản xuất công nghệ cao trong nước. Đến năm 2025, các lãnh đạo nước này muốn doanh số bán xe chạy nhiên liệu mới đạt 7 triệu chiếc, tương đương 20% thị phần xe hơi Trung Quốc.
Dù vậy, kể cả con số đó cũng gần như không đủ giúp duy trì hoạt động cho vài chục, chứ chưa nói đến vài trăm công ty. Một nhà máy cần sản xuất hàng chục nghìn chiếc mỗi năm nếu muốn có lãi.
Một thách thức khác với hãng xe điện là Bộ Tài chính Trung Quốc tháng trước thông báo giảm hỗ trợ cho ngành này, nhằm khuyến khích các hãng dựa vào sáng tạo hơn là trợ cấp. "Với việc điều chỉnh trợ cấp, một số startup có công nghệ kém tiên tiến sẽ biến mất. Ngành này sẽ có xáo trộn", Zhou Lei tại hãng tư vấn Deloitte Tohmatsu Consulting nhận định.
Sự đổ bộ của các đại gia toàn cầu, từ Tesla, Volkswagen đến Ford sẽ càng khiến các công ty Trung Quốc gặp khó. Tesla năm nay đã bắt đầu bán xe điện Model 3 tại Trung Quốc và lên kế hoạch sản xuất xe tại nhà máy ở Thượng Hải. Năm ngoái, hãng bán được tổng cộng 14.467 chiếc tại thị trường này.
Toyota Motor, Fiat Chrysler Automobiles, Honda Motor và Mitsubishi Motors thì chọn cách nhanh hơn. Họ đều lên kế hoạch bán xe được sản xuất bởi công ty Trung Quốc.
Các hãng xe Trung Quốc lâu đời hơn, như BYD, có thể vượt qua thách thức cạnh tranh và giảm trợ cấp, nhờ tồn tại đã lâu, có nhiều dòng sản phẩm và lượng khách hàng ổn định. Công ty này được Berkshire Hathaway đầu tư, có lợi nhuận từ năm 2000.
Các công ty chịu rủi ro lớn nhất là những startup vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng. Rất nhiều công ty dạng này được thành lập hoặc rót vốn bởi những người trong ngành công nghệ hoặc Internet. Họ đã quen với việc mạnh tay đốt tiền nhưng chưa chắc hiểu cặn kẽ về lượng vốn khổng lồ cần rót vào sản xuất xe.
Foxconn Technology Group, Alibaba Group Holding và China Evergrande Group đều đang chi rất mạnh tay cho xe điện và có tham vọng lớn trên toàn cầu. "Lượng vốn đổ vào sản xuất thực còn lớn gấp nhiều lần những gì họ chi cho R&D và marketing. Đó là lý do vì sao một số công ty phải hoãn kế hoạch sản xuất hàng loạt", Thomas Fang tại hãng tư vấn Roland Berger cho biết.
Các startup cần huy động đủ vốn trong năm tới, hoặc phải đối mặt với rủi ro bị bật bãi, Li Xiang - nhà sáng lập kiêm CEO hãng xe điện Chehejia cho biết. Li là một trong những người đầu tiên tại Trung Quốc sở hữu Tesla Model S. "Một lượng lớn công ty sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trong vòng một năm tới, và 90% nhà đầu tư sẽ chịu lỗ lớn", ông dự báo.
Hà Thu (theo Bloomberg)