Khuê, bạn tôi, một cô gái lớn lên ở Bình Phước, học giỏi, có năng khiếu vẽ và chụp ảnh. Nhưng Khuê lại quyết định đăng ký vào khoa kế toán một trường đại học dân lập ở TP HCM vì mẹ cô bảo “Việt Nam sẽ thiếu kế toán”. Khuê và các bạn cùng nắm tay nhau đi học kế toán.
Quyết định hơi hấp tấp mang lại kết quả không tốt đẹp lắm. Khuê không mấy hứng thú với nghề kế toán, cũng không có nhiều chỗ tuyển dụng khi cô ra trường vì quá nhiều người đang cầm bằng kế toán trên tay. Rồi Khuê cũng xin được vào một công ty nhỏ, vừa làm thu ngân, vừa điều phối nhân viên giao hàng. Lương thấp, công việc vừa chán vừa căng thẳng, cô vay tiền ngân hàng mở quán cà phê khi mà số nợ mượn trước đó để học đại học còn chưa trả.
Đến giờ Khuê cũng không biết phải làm gì để trả hết nợ, và cũng chẳng biết kiến thức nào ở trường đại học cần cho việc tính toán đơn đặt mua cà phê và kiểm soát các khoản chi phí lặt vặt của quán. Các bạn của Khuê cũng không khá hơn, nhiều người ôm bằng kế toán sang làm ngành phục vụ, người về quê lấy chồng.
Nền giáo dục đại học tại Việt Nam ngày càng quốc tế hóa, nhưng người học đại học cũng đang đương đầu với các vấn đề lớn. Số lượng sinh viên bỏ học nửa chừng không hề nhỏ. Còn số sinh viên bỏ ra số tiền lớn, sau đó theo đuổi một sự nghiệp không hề liên quan đến bằng đại học mà họ vất vả mấy năm ròng để lấy cũng đông không kém. Cuối cùng, ngay cả những sinh viên đã lấy thành công tấm bằng trong lĩnh vực họ thực sự đam mê thì thường thiếu những kỹ năng “chìa khóa" mà các ông bà chủ tương lai thực sự cần.
Các trường đại học công và tư, địa phương và quốc tế cũng đã đào tạo ra các kỹ sư biết thiết kế dự án địa ốc, các nhà phân tích tài chính có thể dự báo kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước mặc (dù họ đôi lúc hơi nặng lý thuyết). Nhưng các đại học dường như ít khi giúp sinh viên phát triển những kỹ năng mềm mỗi người trẻ đều cần. Ví dụ, suy nghĩ phản biện và giải quyết khó khăn, làm việc nhóm hay thuyết trình thật hay, tóm tắt lại luồng suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, mạch lạc.
Tình hình còn bế tắc hơn nếu chưa kể đến những kỹ năng mềm quan trọng hơn kiến thức hàn lâm nhiều. Đó là khả năng tự mình đưa ra sáng kiến, khả năng giao tiếp lịch sự và thân thiện tuỳ tình huống, sự chú ý đến chi tiết, tinh thần trách nhiệm và trên hết, tinh thần học hỏi và sẵn sàng tiếp thu… Chính nó là điều giúp sinh viên mới ra trường hòa nhập được vào guồng máy từng tổ chức.
Có một sự thật không mấy dễ chịu là đại học khắp thế giới đang thất bại trong việc cung cấp những con người thành phẩm, với đầy đủ kĩ năng “chìa khoá" của thế kỉ 21. Tôi không tìm được dữ liệu về sinh viên đại học Việt Nam, nhưng thống kê về các đại học phương Tây cho thấy trong 2 năm đại học đầu tiên, kỹ năng phân tích và tóm tắt ý kiến trong bài viết của các sinh viên phương Tây thực sự đi xuống. Xin lưu ý là số liệu đó lấy từ các đại học mà nhiều sinh viên Việt Nam đã, đang, và sẽ đăng ký học, du học dù phải chi một số tiền khổng lồ.
Một trong những lý do khiến nền giáo dục đại học gồm quốc tế và tại Việt Nam thất bại là vì một số đại học có xu hướng trở thành một cơ sở thương mại. Họ cư xử với sinh viên như khách hàng. Thay vì tập trung giúp sinh viên phát huy những khả năng và thói quen “chìa khoá", họ lại lợi dụng “tư tưởng bằng cấp” của người Việt để tạo ra lợi nhuận. Việt Nam đang chứng kiến một cuộc chạy đua nước rút để lấy bằng đại học. Những công việc đơn giản, chỉ đòi hỏi kỹ năng đọc, viết và làm toán khá thì nay hình như ngoài tầm với của những người không có bằng đại học. Điều đó đưa chúng ta trở lại câu hỏi: Cái đường lòng vòng thông qua cổng đại học có thật sự cần thiết không? Bạn Khuê của tôi có thực sự cần học kinh tế vĩ mô và các chuẩn mực kế toán quốc tế để làm thu ngân kiêm chủ quán cà phê?
Mô hình kinh doanh của nhiều đại học mang bóng dáng công ty ấy còn một yếu tố khác khiến nó khó đáp ứng những tiêu chuẩn của tương lai. Nhiều trường tăng số lượng sinh viên mỗi lớp để giảm chi phí thuê giảng viên, tăng lợi nhuận. Cùng lúc đó họ chi số tiền khổng lồ để làm hình ảnh. Hậu quả là thời gian tiếp xúc trực tiếp của mỗi sinh viên với các thầy cô giảm đáng kể, ít đi những cuộc trao đổi nhóm nhỏ, thiếu sự thường xuyên phản hồi chi tiết, giúp sinh viên phát triển suy nghĩ phản biện và sáng tạo mà họ rất cần. Đẩy mạnh hình ảnh tốt đẹp nhân tạo của “sản phẩm" trong khi chất lượng đi xuống thì hơi không thật thà lắm. Và tất nhiên đây không phải cách có thể cải thiện chất lượng sinh viên.
Câu hỏi đặt ra khi một mùa ra trường nữa lại đến: hướng đi nào cho các bạn sắp tốt nghiệp phổ thông và phụ huynh của họ?
Trong khi chưa có những người tư vấn hướng nghiệp ở môi trường học trung học, theo tôi, phụ huynh và học sinh phải tự trả lời được câu hỏi: Đại học có thực sự cung cấp những “kỹ năng thế kỷ 21" hay không? Bằng tốt nghiệp đại học sẽ cầm trên tay sau bốn năm nữa chắc chắn giúp bạn có công việc tốt? Bạn đăng ký học ngành mình đam mê (hoặc ít nhất thấy thích thú) hay chủ yếu học vì uy tín của trường hoặc sĩ diện bản thân? Trường nào có thể giúp bạn trở thành một người toàn diện hơn, có tầm nhìn rộng hơn và có những kỹ năng, thói quen của một người chuyên nghiệp? Hay, bạn chỉ nên học vì một người thành đạt bắt buộc phải có bằng đại học?
Quyết định không học đại học, kể cả học nghề, nếu không kiếm được nơi phù hợp đôi khi là những quyết định đáng giá cả đời người.
Cameron Shingleton
(Nguyên tác tiếng Việt)