Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu như trên tại cuộc họp ứng phó bão Vamco, sáng 13/11.
Theo ông Cường, bão Vamco rất nguy hiểm vì bốn yếu tố. Đầu tiên là đường đi của bão đang khó đoán định. Thứ hai, tốc độ bão đến nay còn lớn. Thứ ba, hoàn lưu bão gây mưa to. Và cuối cùng, bão dự kiến đổ bộ vào khu vực vừa hứng chịu hàng loạt cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong hơn một tháng qua. "Chúng ta không thể chủ quan, nếu không chuẩn bị thì bão có thể gây tổn thất nặng nề trên biển, đất liền và vùng núi", ông nói.
Ngoài ra, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đang dao động ở mức đỉnh; nước dâng do bão khiến lũ không tiêu thoát sẽ làm gia tăng ngập lụt kéo dài tại khu vực sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Thu Bồn (Quảng Nam).
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến trưa 13/11, bão Vamco ở cấp 12, khả năng giảm ba cấp khi vào đất liền.
Nhận định của các đài quốc tế hôm nay thống nhất vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão là Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, trọng tâm từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.
Trên khu vực giữa Biển Đông và Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão cấp 11-12, giật cấp 15; sóng biển cao từ 4-6 m, vùng gần tâm bão 8-10 m; biển động dữ dội. Vùng ven bờ Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão, riêng từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
Từ sáng mai 14/11, hoàn lưu bão gây gió mạnh trên đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam.
Mưa lớn diện rộng tập trung trong ngày 14 và 15/11. Từ ngày 14 đến 16/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi lượng mưa 200-350 mm, có nơi trên 350 mm; Thanh Hoá - Nghệ An mưa từ 50-150 mm. Các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi khả năng xuất hiện lũ từ bão động 2 đến báo động 3.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay, tỉnh đã lên kế hoạch sơ tán 10.000 hộ dân ở 93 điểm nguy cơ cao bị sạt lở; 45.000 hộ dân ở ven biển, lưu vực sông Vu Gia.
"Tinh thần là sơ tán nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, ngoài 93 điểm nguy cơ cao thì bây giờ sạt lở đất khắp nơi, không biết chỗ nào có thể xảy ra", ông Thanh nói và đề xuất các bộ nghành sớm đưa ra phương án lâu dài về cảnh báo, xử lý sạt lở đất miền Trung.
Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nói địa phương đã xây dựng kịch bản ứng phó mưa liên tục trong 3 tuần, điều tiết hồ chứa trên các sông Bồ, sông Hương dưới mức báo động 3. Tỉnh dự kiến sơ tán 19.000 hộ dân trước 10h sáng 14/11.
"Bão Vamco dự báo gió giật cấp 11, nhiều ngôi nhà cấp bốn của người dân sẽ tốc mái. Nếu không nhanh chóng sơ tán, thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân sẽ khó lường", Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng nói.
Ông đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai biện pháp để đảm bảo an toàn trên biển, từ Thanh Hóa đến Bình Định; sơ tán người dân ra khỏi khu vực lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nơi nguy cơ cao sạt lở đất...
Vamco là cơn bão thứ ba kể từ đầu tháng 11 đi vào Việt Nam. Trước đó, bão Etau đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa hôm 10/11 mang theo mưa gió cấp 7 làm chết hai người. Trong tháng 10, miền Trung hứng chịu 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới. Ba đợt lũ cùng 13 vụ lở núi trong tháng qua làm 159 người chết, 71 người khác mất tích.
Tất Định