Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ tại Đại học Stanford, Mỹ, thủ khoa MBA của Đại học Oxford, Anh, tại hội thảo "Đột phá cấp 3, chinh phục đại học và thế giới" do trường Phổ thông liên cấp Olympia tổ chức chiều 23/5.
Phần lớn học sinh đang học như thể trên một hệ thống băng chuyền, học phổ thông, vào đại học học rồi ra đời với guồng quay như nhau. Việc dạy học cũng như thể sản xuất công nghiệp, bao nhiêu người vào học làm bằng đấy bài kiểm tra, học bằng đấy môn. Vì vậy, khi bước ra biển lớn, nhiều học sinh sợ hãi.
Ngày trước, tôi cũng rất sợ hãi trong thời gian đầu học tập ở nước ngoài nhưng rồi vượt qua được. Dù học chuyên tiếng Anh rồi lại học kinh tế, tài chính, lập trình và trở về làm giáo dục, tôi vẫn thích nghi được. Qua những trải nghiệm học tập đó và qua nghiên cứu, tôi nhận thấy bốn cấu phần quan trọng để học sinh có thể sống tốt khi chuyển qua môi trường mới.
1. Động lực
Động lực ở đây là tìm hiểu và thích nghi với môi trường hoàn toàn mới. Phần lớn phụ huynh hiện nay phải đau đầu về chuyện tạo động lực cho con. Ở cấp tiểu học, cái gì con cũng học. Đến cấp THCS, con bắt đầu chán học và chỉ học những gì chúng thích. Đến cấp THPT, con thậm chí học đối phó nhiều hơn.
Vấn đề là bản thân trẻ đã được nhà trường và gia đình định hướng học để luyện thi. Việc luyện thi có thể không xấu nhưng nếu học sinh không hiểu được giá trị của nó mà tiếp cận một cách tính toán thì vẫn là sự cưỡng ép.
Vì vậy, việc giáo dục trong nhà trường và gia đình cần thay đổi để tạo động lực tự học tập, tự tìm hiểu để các em trải nghiệm nhiều hơn nhằm làm quen với môi trường hoàn toàn mới thay vì tạo động lực đi luyện thi.
2. Kiến thức
Tôi muốn nói tới kiến thức về nhiều lĩnh vực. Hiện, học sinh thường chỉ chăm chăm học vì điểm số, dẫn đến kiến thức đọng lại trong đầu không nhiều và đặc biệt là thiếu kiến thức về nhiều lĩnh vực của thế giới.
Ví dụ học sinh của tôi xin học bổng vào một trường THPT ở Mỹ. Các thầy trường bên Mỹ bảo "Thầy cho con nửa tiếng để nói về một vấn đề trên thế giới mà con quan tâm. Con có thể nói bất kỳ điều gì con muốn". Đề bài rất rộng, có nhiều thứ để nói nhưng học sinh chỉ nói được 2-3 phút là chấm dứt.
Điều đó cho thấy nhiều học sinh hiện nay không có ý thức nhìn về thế giới xung quanh, không quan tâm ở Mỹ hay Trung Đông đang diễn ra điều gì mà chỉ chú ý đến sách vở. Các nhà tuyển sinh sẽ nghĩ rằng học trung học có thời gian mà còn không tìm hiểu thì lên bậc học cao hơn, phải tự nghiên cứu, tự tìm hiểu nhiều hơn thì trẻ làm thế nào? Đó là lý do các em bị đánh trượt.
Việc tìm hiểu kiến thức ở nhiều lĩnh vực còn giúp học sinh học ngoại ngữ tốt hơn. Ví dụ, khi mày mò đọc sách kinh tế, tâm lý, lịch sử, các em sẽ chẳng gặp khó khăn gì với phần đọc trong bài thi IELTS bởi nó không khó bằng một trang sách mà các em đọc. Vậy tại sao cứ phải ôn thi nhiều?
Thầy cô, phụ huynh cần chú trọng điều này để vừa phát triển năng lực, vừa mở ra thế giới cho các con.
3. Chiến lược
Đó là chiến lược cụ thể để thay đổi nhận thức và thói quen học tập, làm việc, sinh sống. Học sinh đừng đi học với tâm thế hôm nay có bài tập thì làm, ngày mai có đề thi thì học, không có một sự tính toán, chiến lược gì.
Các bạn học THPT thực sự thông minh thì phải tính toán kỹ, ví dụ cần tính sau một học kỳ, bài tập này mất chừng một tiếng để làm, dự án này mất chừng hai tiếng. Giờ chưa đạt được, các em sẽ luyện để đến thời điểm đó sẽ đạt. Đọc một chương sách dài 20 trang giờ mất 6 tiếng thì phải làm sao để tháng sau chỉ mất 3 tiếng thôi.
Khi làm mà chú ý đến tính toán, các em sẽ biết được hiệu suất công việc của mình ra sao, từ đó sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Sau này, khi làm việc, cấp trên hỏi mất bao nhiêu thời gian cho slide này, bạn có thể trả lời được ngay là 15 hay 30 phút và chắc chắn hoàn thành. Kiểm soát được thời gian khi làm việc, có tính toán, có chiến lược thì thời gian hiệu quả hơn nhiều.
4. Hành động
Học sinh đang rất thiếu cách thức điều tiết hành động, lời nói, cử chỉ trong các môi trường và ngữ cảnh thực tế. Đi học là phải quan sát, để ý để điều tiết nhận thức, thái độ, hành động, cử chỉ, lời nói của mình.
Năm ngoái, tôi dẫn đoàn học sinh đi thực tế ở TP HCM. Nhiều bạn không ý thức được có những hành động ở nhà làm được nhưng vào doanh nghiệp, cơ quan không nên làm, ví dụ nói chuyện rất to khiến người bên cạnh khó chịu.
Hay như khi đi phỏng vấn xin học bổng, nhiều bạn không biết ngồi phỏng vấn ở tư thế nào mà cứ ngồi theo ý thích. Các bạn không biết rằng vào phỏng vấn, họ quan tâm không chỉ điểm số mà còn muốn xem bạn ứng xử thế nào. Nhà tuyển sinh, tuyển dụng đôi khi đánh giá con người trong tích tắc. Qua cách bạn đứng, nói chuyện, nét gương mặt, họ có thể biết được con người bạn chứ đôi khi không cần nhìn vào điểm số. Bởi một người có chiều sâu, suy nghĩ nhất quán trong thời gian dài có thể điều chỉnh bản thân rất tốt, linh hoạt trong các tình huống.
Tôi cũng phải luyện rất nhiều để có thể điều tiết hành động, lời nói của mình. Ngày xưa, tôi nói nhanh đến mức bố mẹ bảo nói nhanh hơn cả cô Tạ Bích Loan trên truyền hình. Khi đi làm ngành đầu tư tài chính, tôi mới bắt đầu ý thức được tốc độ nói của mình bởi nói nhanh khiến mọi người không hiểu.
Bốn cấu phần trên rất quan trọng để học sinh có thể "bơi được khi ra biển lớn". Thế nhưng, hầu hết học sinh lại thiếu một trong những cấu phần đó, thậm chí thiếu tất cả. Thực trạng của đa số học sinh hiện nay có thể gói gọn trong bốn từ "Ngại - Lười - Vội - Thiếu".
Các em ngại tò mò, tương tác, trải nghiệm. Lý do lớn là được bó trong cuộc sống quá sung sướng, chỉ ăn, ngủ và học nên có xu hướng thu lại.
Các em lười đọc, suy nghĩ và nghiên cứu, đưa cho một video hay cuốn sách bảo xem thì chỉ xem đầu và cuối. Các em thích chơi game vì nhanh thắng, còn đọc sách thì không bởi mất một tuần là quá lâu.
Các em vội trong cảm xúc, vội quy chụp và vội hành động. Nhiều em chửi thề cả thầy giáo, quy chụp "con ghét mẹ, ghét bố". Rồi vì lười đọc, lười suy nghĩ, các em hành động vội và vội thì thường sai.
Các em thiếu tự tin, cởi mở, đặc biệt là thiếu kiên trì. Đưa cho một cây bút và một tờ giấy, bảo làm bài trong nửa tiếng hay một tiếng, nhiều em không thể tập trung mà giấu giếm nói chuyện hay sử dụng điện thoại khi thầy không để ý.
Bốn vấn đề này cả nhà trường, phụ huynh và học sinh đều có trách nhiệm nhưng người lớn cần chịu trách nhiệm nhiều hơn bởi không uốn, rèn được. Thầy cô và phụ huynh cần phối hợp để gạt bỏ thực trạng này, đồng thời tạo ra bốn cấu phần kể trên để học sinh sẵn sàng thích nghi trước những thay đổi, không sụp đổ trước những biến cố trong cuộc sống.
Dương Tâm ghi