Liệu Bồ Đào Nha có từ bỏ lối chơi thận trọng?
Bồ Đào Nha là đội đầu tiên vào bán kết tất cả các kỳ Euro tính từ năm 2000. Tuy nhiên, thành tích này của họ đi kèm một kỷ lục đáng buồn khác, đoàn quân dưới trướng Fernando Santos là đội đầu tiên vào tới vòng bốn đội mạnh nhất mà chưa thắng trận nào trong 90 phút của hai hiệp chính.
Trong năm trận đã qua, Bồ Đào Nha chỉ có 22 phút ở thế dẫn trước đối thủ (ở trận ra quân gặp Iceland). Đó là sự chứng minh cho cách nhập cuộc quá thiên về phòng ngự, điều đi ngược lại bản sắc và không thích hợp với đội hình bao gồm nhiều cầu thủ giàu kỹ thuật của họ.
Bồ Đào Nha tạo cho khán giả cảm giác luôn có sự thận trọng tồn tại trong cách tiếp cận trận đấu của họ. Điều này thể hiện rõ nhất ở hai trận hòa với Iceland và Hungary khi họ từ chối dâng cao đội hình dù cần bàn thắng.
Xứ Wales là bất ngờ lớn nhất tại Euro năm nay, một đội bóng xứng đáng được gọi là "ngựa ô" và họ sẽ chẳng phiền nếu Bồ Đào Nha muốn tạo ra một thế trận chặt chẽ. Khác với hai trận gặp Croatia và Ba Lan, lần đầu tiên ở vòng knock-out, thầy trò Fernando Santos sẽ chạm trán một đối thủ sẵn sàng kéo dài trận đấu. Liệu điều này có khiến Bồ Đào Nha thay đổi cách tiếp cận trận đấu trong bối cảnh họ đã trải qua hai trận liên tiếp phải đá hiệp phụ?
Xứ Wales sẽ xoay xở thế nào khi không có Ramsey?
Ngược lại với Bồ Đào Nha, Xứ Wales chọn cách tiếp cận chủ động trong từng trận đấu. Họ không đơn thuần chỉ biết phòng ngự phản công trước các đối thủ mạnh hơn. Xứ Wales sẵn sàng bung đội hình lên tấn công khi cần và với tâm lý thoải mái khi vào tới bán kết trong lần đầu dự Euro, Gareth Bale và các đồng đội hoàn toàn có thể chọn cách chơi chủ động trước Bồ Đào Nha.
Bằng chứng rõ ràng nhất về sự chủ động của Xứ Wales là ở trận tứ kết với Bỉ. Họ bị Radja Nainggolan chọc thủng lưới ở phút 13. Nhiều đội khác khi rơi vào hoàn cảnh tương tự sẽ bị cóng, Nhưng Xứ Wales thể hiện sự trực diện và dứt khoát trong cả ba bàn thắng sau đó. Đặc biệt là bàn thứ hai của Hal Robson-Kanu và bàn ấn định tỷ số của Sam Vokes.
Lối chơi và tinh thần chủ động là động lực để Xứ Wales đương đầu với mọi đối thủ, nhưng họ sẽ chịu một tổn thất lớn ở bán kết từ sự vắng mặt của Aaron Ramsey. Tiền vệ đang khoác áo Arsenal là nhân tố cực kỳ quan trọng để điều phối lối chơi và giúp Xứ Wales chuyển từ phòng ngự sang tấn công.
Ramsey là sợi dây liên kết giữa Gareth Bale và phần còn lại của Xứ Wales. Chris Coleman từng ca ngợi màn trình diễn của Ramsey ở Euro này là "xuất thần" và sự vắng mặt của cậu học trò có thể khiến ông phải thay đổi chiến thuật.
Đức đối phó với sự thiếu vắng các trụ cột như thế nào?
Đội bóng của Joachim Low đang rất tự tin sau chiến thắng 3-0 trước Slovakia ở vòng 1/8 và thành tích lần đầu đánh bại Italy ở một giải đấu lớn. Tuy nhiên, nhà đương kim vô địch thế giới sẽ thiếu vắng những vị trí quan trọng ở trận bán kết với chủ nhà Pháp.
Thực tế, đội hình của Đức chỉ "vào phom" ở vòng knock-out. Màn trình diễn của họ ở vòng bảng không thuyết phục. Nhưng khi vừa tìm được sự ổn định, Joachim Low có thể sẽ phải thay đổi điều đó ở trận tới vì những sự thiếu hụt về lực lượng.
Đầu tiên là trường hợp của trung vệ Mats Hummels, người bị cấm thi đấu vì lãnh hai thẻ vàng. Tiếp đến là chấn thương khiến tiền đạo duy nhất trong đội hình tuyển Đức, Mario Gomez, phải nghỉ đến hết giải. Sami Khedira và Bastian Schweinsteiger nhiều khả năng cũng không thể ra sân.
Đức có thể xoay xở với một hoặc hai sự thay đổi nhưng họ sẽ gặp vấn đề nếu có nhiều hơn. Joachim Low đứng trước bài toán đối phó với sự vắng mặt của các trụ cột nhưng vẫn phải giữ sự cân bằng mà đội bóng của ông mới tìm được.
Pháp có đủ tự tin để đá sòng phẳng với đối thủ kỵ dơ?
Pháp chưa từng đánh bại Đức ở một giải lớn từ năm 1958. Lần chạm trán nổi tiếng nhất của họ là ở bán kết World Cup 1982, khi Patrick Battiston bất tỉnh sau pha phạm lỗi thô bạo của thủ môn Toni Schumacher.
Schumacher không bị đuổi sau tình huống đó. Hai đội hòa 3-3 và cuối cùng, Đức đánh bại Pháp 5-4 ở loạt luân lưu. Cả nước Pháp cho đến nay vẫn tức tưởi khi nhắc đến sự kiện này. Sau lần gặp đó, Pháp còn hai lần để thua kình địch nữa, ở bán kết World Cup 1986 và tứ kết World Cup 2014. Lần này, khi được chơi trên sân nhà và sở hữu một đội hình chất lượng, Pháp tự tin sẽ tạo ra một cuộc phục hận.
Vấn đề với Didier Deschamps là ông sẽ chọn cách tiếp cận trận đấu thế nào khi trước mắt là một trong những đội bóng mạnh nhất thế giới hiện nay. Từ đầu giải đến nay, Pháp chưa gặp đối thủ xứng tầm và các cầu thủ tấn công của họ được thoải mái phô diễn khả năng.
Tâm điểm của trận đấu này là ở hàng tiền vệ. Khi đối chọi với các nhà vô địch thế giới, liệu Deschamps sẽ tiếp tục để các tiền vệ dâng cao hay yêu cầu họ lùi lại. Ngoài ra, vị trí của N'Golo Kante cũng bị đặt dấu hỏi vì ở trận thắng Iceland 5-2, khi anh vắng mặt, Pháp đã chơi một trận tấn công hay nhất từ đầu giải và đó có vẻ không chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Trước một đội tấn công tốt như Đức, liệu Deschamps có dám mạo hiểm cất Kante trên ghế dự bị để ưu tiên một mặt trận tấn công tốt hơn cho đội chủ nhà như họ đã thể hiện ở tứ kết.
Di Khánh