Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng sau 9 tháng, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13% trong năm nay đã được hỗ trợ bởi việc nới chỉ tiêu tín dụng trong quý IV cho các ngân hàng. Nhiều nhà băng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong điều kiện đã chạm trần tín dụng 9 tháng đầu năm.
Theo thống kê của BSC tại hơn chục nhà băng, TPBank là ngân hàng được cấp "room" tăng trưởng cao nhất là 23,4% cho cả năm 2021. Trong năm nay, nhà băng này từng được hai lần Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng 11,5% và 17,4%.
Ba ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Trong nhóm ngân hàng quốc doanh với quy mô tài sản triệu tỷ đồng, Vietcombank được cấp hạn mức tín dụng cao nhất là 15%.
Theo nhóm phân tích, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong 9 tháng đạt mức 7,42%. "Sự hồi phục mạnh của kinh tế sau một thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh giúp hồi phục cầu tín dụng", báo cáo của BSC viết.
Tuy nhiên, làn sóng thứ tư cũng ảnh hưởng không nhỏ đến TP HCM và các tỉnh phía Nam, nơi đóng góp gần 50% GDP cho cả nước. Tín dụng trong quý III chỉ tăng 1% so với quý II, cho thấy phần nào ảnh hưởng của dịch bệnh đến nhu cầu tín dụng. "Do đó, việc mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại cùng xu hướng 'sống chung cùng Covid-19' sẽ giúp phục hồi nhu cầu tín dụng trong quý IV", BSC đánh giá.
Trong năm 2022, nhóm phân tích cho rằng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao, tăng trưởng khoảng 13%, được hỗ trợ bởi xu hướng hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh và gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2-3 năm. Những yếu tố này được dự báo thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Về cơ cấu khách hàng, BSC cho rằng SME và doanh nghiệp lớn là hai nhóm khách hàng bị ảnh hưởng mạnh khi dịch bệnh quay trở lại.
Hiện nay, hai nhóm này đóng góp ở mức trung bình 75-80% cơ cấu cho vay của toàn ngành. Riêng trong quý III, trong khi tốc độ cho vay cá nhân tiếp tục được đẩy mạnh, cho vay SME và doanh nghiệp lớn đều chậm lại do giãn cách kéo dài khiến gián đoạn sản xuất kinh doanh.
"Chúng tôi cho rằng việc mở cửa trở lại toàn quốc từ đầu quý IV sẽ giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp trở lại hoạt động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng trong quý cuối năm 2021 và năm 2022", báo cáo viết.
Minh Sơn