Hồi giữa tháng 7, bốn sinh viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, gồm Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cường và Nguyễn Đình Tiến, bắt đầu cải tạo khu đất dự án gần phòng trọ ở khu phố 1, phường Linh Tây, TP Thủ Đức, thành vườn rau. Dịch bệnh khiến việc mua rau và lương thực của họ gặp khó khăn. Bốn chàng trai quê Yên Thành, Nghệ An, quyết định "tự cứu mình" và giúp người dân xung quanh có rau ăn.
Thành cho hay nhóm đã xin phép chủ đất và công an khu vực trước khi làm. Khu đất rộng khoảng 2.000 m2, cỏ sữa mọc cao hơn người, bị bỏ hoang nên giờ trở thành nơi đổ rác. Nhóm phải phát quang bụi cỏ, dọn rác rồi mới lên luống. Làm tới đâu, các em xuống giống tới đó vì để lâu đất bị khô, mất nước. Nhóm mua giống rau, quả ở các tiệm hoa, cây kiểng gần chỗ trọ.
Lúc đầu nghĩ mùa mưa sẽ không lo nước tưới, nhưng thời điểm đó trời vẫn nắng nóng nên các em phải xách nước và xin kéo nước từ hàng xóm. Không mua được phân bón, nhóm bàn nhau làm phân hữu cơ từ cây phân xanh được chặt nhỏ, đốt rồi đem ủ để bón gốc, giống như cách thường làm ở nhà.
Mỗi loại cây có cách chăm sóc riêng, như để chống thiếu nước cho rau cải, sau khi gieo hạt, các em phủ lên một lớp cỏ giữ ẩm. Trong khi đó, với loại bầu, bí lấy ngọn, khi trồng được khoảng 2-3 tuần, cây cần được ngắt ngọn để đẻ nhánh. Nếu muốn cho ra quả, cây phải được bắc giàn và giữ lại ngọn. Bầu, bí và đậu bắp sẽ phát triển nhanh khi được vun đất quanh gốc và ủ phân xanh.
Do vẫn phải học và ôn thi nên bốn chàng trai dậy từ 5h30 để tranh thủ làm và chiều bắt đầu từ 16h30 đến 19h vì có đèn cao áp chiếu sáng. Không ít lần làm cố buổi tối, các em giẫm phải mảnh thủy tinh, vật sắc nhọn. "Nhiều hôm về tới nhà thấy chảy máu, chúng em mới biết mình bị thương", Thành kể.
Ban đầu, nhóm tính làm quy mô nhỏ, trồng các loại rau nhanh được thu hoạch như cải, rau muống. Sau thấy còn đất trống, lại có sức khỏe nên nhóm tiếp tục phát cỏ trồng thêm nhiều loại. Các em lên mạng tìm hiểu quá trình sinh trưởng và phát triển của từng loại cây, loại nào sớm thu hoạch để lựa chọn giống.
Thành chia sẻ, bốn người đều xuất thân từ nhà nông nên công việc này quen thuộc. Ngày còn ở nhà, Thành thường cùng anh trai Nguyễn Đức Thắng sáng dậy sớm đi hái rau bán giúp bố mẹ rồi mới đi học. Cả hai tranh thủ đỡ đần việc đồng áng cho gia đình.
Hiện vườn rau có bầu, bí, đậu bắp, dưa chuột, mướp đắng, rau dền, khoai lang, mồng tơi, rau thơm, dưa hấu, đu đủ và ổi. Đầu tháng 8, cả nhóm thu hoạch lứa rau muống đầu tiên, tự bó từng mớ rồi chất lên xe rùa đi tặng. "Chúng em rất vui khi tự tay trồng và mang thành quả thu hoạch chia sẻ với mọi người. Nhận được rau, người dân khu trọ và các hẻm xung quanh cảm ơn rất nhiều", Thành nói.
Gây dựng khu vườn vừa là cách để tự chủ rau xanh, cũng là hình thức giúp nhóm thể dục, giải tỏa căng thẳng. Là sinh viên năm cuối lại đang làm bán thời gian từ xa cho một công ty, Cường vẫn cố gắng sắp xếp ra vườn. Cùng nhau làm vườn, các thành viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng cây.
Lúc dịch bệnh chưa bùng phát, cả nhóm đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Mỗi năm, các em chỉ về nhà vào dịp Tết vì còn bận học và làm. Năm nay năm cuối, Cường ở lại để tập trung học và thi, không về quê vì nghĩ chi phí đi lại tốn kém, về lại phải cách ly. Ở lại Sài Gòn, Cường và các bạn được nhà trường, phường hỗ trợ một phần gạo và thực phẩm.
Khi biết nhóm của Cường tự trồng rau, bạn bè, người thân và thầy cô ở trường nhắn tin động viên. "Em vui vì làm được việc có ích, giúp đỡ mọi người. Cho đi là còn mãi và tuổi trẻ làm được gì tốt đẹp thì làm", Cường nói.
Giờ đã vào năm học nên thời gian hạn hẹp, khó mở rộng vườn, nhóm chỉ cố gắng duy trì chăm sóc. Đợi lứa bầu, bí, khoảng 200 gốc, cho thu hoạch, các em sẽ gửi tặng nhân viên trực chốt và nhiều người dân trong vùng hơn.
Anh Thái Hoàng Đại, chủ dãy nhà trọ nơi nhóm Thành và Cường ở, dành những lời khen ngợi cho các sinh viên Bách khoa: "Các em ở nhà tôi mấy năm nay, rất chịu khó và ngoan. Tôi đánh giá cao việc làm của các em khi tự tay cải tạo đất, làm nên khu vườn. Giữa lúc dịch bệnh khan hiếm rau xanh, những mớ rau của các em thật đáng quý".
Bình Minh