Phạm Tiến Thành vừa trở thành thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Nhìn lại bốn năm học tập và rèn luyện, chàng trai Yên Bái không ngờ có thể hoàn thành việc học ở khoa múa với kết quả tốt như vậy.
Thành thích múa sau những lần tham gia đội văn nghệ của trường và thành phố khi còn là học sinh tiểu học. Đến với múa, cậu thấy thăng hoa, sáng tạo và được hòa mình vào nghệ thuật. Nhà ở huyện vùng cao khó khăn, không có điều kiện học múa, Thành chỉ được thỏa đam mê trong những buổi giao lưu văn nghệ quần chúng.
Hết lớp 9, cậu thi đỗ hệ trung cấp diễn viên múa của Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái nhưng gia đình không cho học. Thành sau đó xuống học cấp ba ở tỉnh cách nhà 200 km.
Tốt nghiệp THPT, cậu làm hồ sơ thi những trường kinh tế và tài chính theo ý muốn của gia đình nhưng vẫn đăng ký ngành Biên đạo múa quần chúng, khoa Múa, Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội. Năm ấy, nam sinh đỗ tất cả nguyện vọng đăng ký và vào top 5 thí sinh cao điểm nhất của Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội.
Do xác định học múa từ đầu, Thành không quan tâm kết quả của các trường khác. Gia đình không đồng ý cho cậu theo múa, vẫn muốn học kinh tế nhưng lúc quay lại làm thủ tục thì các trường đã hết thời hạn tuyển sinh. Thành xét tuyển đợt hai và trúng Đại học Công Đoàn.
Sau hai tuần nhập học và nhận lớp, cậu cảm thấy chán, không phù hợp nên thường xuyên trốn học. Biết chuyện, người thân ở Hà Nội gọi điện về cho bố mẹ Thành, khuyên nên cho con theo đuổi đam mê.
"6h sáng, em nhận được cuộc điện thoại của mẹ. Sau cuộc trò chuyện ấy, em được phép học trường mình muốn", Thành nhớ lại.
Để trở thành biên đạo, trong hai năm đầu, Thành phải học chất liệu múa, đào tạo diễn viên. 18 tuổi, khi thân hình đã phát triển toàn diện, các khớp đã đóng, cậu mới bắt đầu làm quen với con đường múa chuyên nghiệp. Nam sinh cho hay khó khăn nhất khi đó với cậu là thân hình quá béo, phải giảm từ 72 kg xuống còn 60 kg. Mỗi lần vào phòng tập ép cơ, ép dẻo là một lần cậu khóc thành tiếng vì đau đớn.
Tân thủ khoa tâm sự, không giống sinh viên các trường khác, thi sẽ thực hiện trên giấy, sinh viên trường nghệ thuật phải luyện tập liên tục. Để có một tiết mục, cậu phải viết kịch bản, mượn diễn viên, làm nhạc, báo cáo bài, sửa bài thi...
Không chỉ lo bài cho mình, các sinh viên còn phải hỗ trợ bạn trong lớp, trong khoa, thậm chí khóa trên vì một bài múa cần huy động nhiều diễn viên. Do đó, họ thường ở trong phòng tập từ 8h đến 1-2h hôm sau mới về nhà. Mùa thi, phòng tập sẽ chia ca hai tiếng nên sinh viên thường phải tranh thủ thời gian và diễn viên để luyện.
"Nhiều hôm, chúng em tập thông trưa, thậm chí ăn một miếng lại chạy vào tập rồi ra ăn tiếp", Thành kể.
Tập luyện cường độ cao, lại ăn uống không đầy đủ khiến cơ thể Thành suy kiệt. Sau mỗi mùa thi, cậu thường phải truyền nước 3-4 ngày mới hồi phục.
Nam sinh khoa múa cho hay học bốn năm làm bốn tốt nghiệp. Mỗi năm, cậu đều tham gia múa cho các anh chị cuối khóa. Một chương trình tốt nghiệp thường kéo dài 1-2 tiếng, với mỗi bài 8-10 phút. Lớp có 20 sinh viên tức sẽ có 20 bài đơn và một bài cả lớp.
Trong bốn năm, không ít sinh viên bỏ dở việc học vì nản và không chịu được cực khổ. Lớp Thành ban đầu có 16 người nhưng đến năm tốt nghiệp chỉ còn 9 sinh viên. Cậu cũng có lúc nghĩ đến bỏ cuộc, nhất là những đợt thi căng thẳng, không nghĩ ra ý tưởng hay cả tháng không có show diễn nào.
"Nhưng nghĩ lại, em đã yêu thích ngay từ đầu, bất chấp gia đình phản đối, giờ bỏ cuộc thì không biết cuộc đời sẽ thế nào. Em phải học để khẳng định mình, rằng mình đã lựa chọn đúng", Thành nói.
Để rèn luyện kỹ năng và chuyên môn, cách tốt nhất là chăm chỉ và làm bài nhiều hơn. Những lần làm diễn viên cho các anh chị khóa trên, Thành được dạy từ động tác múa, động tác kết hợp, cách đi tuyến hay dựng kịch bản. Lúc các anh chị trả bài và được thầy cô sửa, Thành lại có cơ hội học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
"Em chủ động học hỏi bởi với nghệ thuật, bị động tức là bị đào thải. Nếu không có chuyên môn và sự sáng tạo, em không thể đi đường dài được với nghề", Thành chia sẻ.
Nhờ chăm chỉ và ham học hỏi, cậu giành được học bổng loại xuất sắc hoặc loại giỏi ở cả 8 học kỳ. Thành cũng được nhiều người yêu mến, tạo điều kiện tham gia các show diễn. Cậu còn đi dạy múa cho trẻ em ở trung tâm và dựng bài cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Trước dịch, mỗi tháng có show đều đặn, Thành kiếm được 20-30 triệu đồng.
Thấy con yêu nghề và sống được với nghề, bố mẹ Thành đã yên tâm hơn. Thay vì phản đối, gia đình dần chuyển sang ủng hộ và tự hào trước mỗi thành quả Thành đạt được.
Không chỉ học tốt, nam sinh còn tích cực trong các hoạt động Đoàn, xã hội và thiện nguyện. Hiện, Thành theo học cao học chuyên ngành Nghệ thuật sân khấu để nâng cao trình độ, chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi của thị trường việc làm sau đại dịch.
"Nhiều lúc em tự hỏi tại sao mình làm được? Rèn luyện cực khổ thế vẫn vượt qua được thì những khó khăn hiện tại, như hoạt động biểu diễn ngưng trệ vì dịch bệnh, chỉ là bình thường. Em luôn trân trọng những năm tháng rèn giũa đổ mồ hôi, nước mắt trong phòng tập để có em ngày hôm nay", Thành tâm sự.
Thạc sĩ Lê Như, Bí thư Đoàn trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ấn tượng với cậu sinh viên quê Mù Cang Chải ở niềm đam mê với nghệ thuật. Theo cô Như, Thành nổi tiếng ở trường và được thầy cô, bạn bè yêu quý. Từ năm nhất đến năm tư, cậu chưa từng được điểm dưới khá. Ngoài chuyên môn, Thành cũng tích cực trong hoạt động Đoàn và từ thiện. "Thành quả em ấy đạt được hoàn toàn xứng đáng. Thành là tấm gương về lòng kiên trì, nghị lực và vượt khó cho các bạn sinh viên trong trường noi theo", cô Như nói.
Sắp tới, Thành dự định xin vào một cơ quan phù hợp để ở lại Hà Nội làm việc. Cậu cũng hy vọng sớm được trở lại với công việc biểu diễn để duy trì luyện tập và ổn định cuộc sống.
Bình Minh