Độc giả Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ đưa ra quan điểm về việc tổ chức thi THPT quốc gia sau những bê bối về gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La.
Những ngày qua, sau sự cố gian lận điểm thi ở Hà Giang và Sơn La bị phanh phui, một lần nữa những tranh luận có nên tiếp tục duy trì kỳ thi quốc gia THPT lại nổ ra giữa các nhà giáo dục...
Về quan điểm cá nhân, xin nói ngay tôi lâu nay vẫn nghĩ không nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà nên giao về cho các địa phương tổ chức. Khi nghe một số người lập luận rằng “nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông thì học sinh sẽ không học, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông”; hay “nếu bỏ thì vi phạm luật giáo dục hiện hành”, tôi muốn trao đổi lại như sau.
Thứ nhất, tôi cho rằng phải chăng đang có sự ngộ nhận, nhầm lẫn trong cách hiểu “bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia” như hiện nay từ một số người không ủng hộ quan điểm này? Bởi theo tôi hiểu thì những người đề nghị bỏ kỳ thi này hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta để cho các địa phương muốn làm gì thì làm mà vẫn có sự tham gia quản lý, giám sát từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như lãnh đạo chính quyền địa phương.
Nói cách khác, vấn đề trước hết là Bộ không nên “nhúng tay” vào để kỳ thi này mang tầm quốc gia nữa mà nên giao về cho địa phương đứng ra tổ chức. Và như thế hoàn toàn không vi phạm luật giáo dục hiện hành vì kỳ thi này vẫn được các địa phương tổ chức tùy vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của mỗi vùng, miền...
Trong vai trò quản lý, Bộ Giáo dục sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các quy chuẩn, quy chế, phương án khác nhau để cho địa phương (tùy vào tình hình cụ thể của mỗi khu vực, mỗi vùng, miền...) có thể lựa chọn hoặc là tổ chức thi; hoặc chỉ xét tốt nghiệp dựa vào học bạ của học sinh sau đó cấp bằng chứng nhận cho các em.
Nếu làm được điều này chắc chắn sẽ là “một công đôi việc” vì Bộ đang giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về cho các địa phương mà còn trở lại đúng vai trò và bản chất của một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục thông qua việc thanh tra, hậu kiểm... Khi ấy, Bộ sẽ dễ dàng nhận ra địa phương nào có cách làm hay; địa phương nào gian dối và không trung thực trong sự so sánh, đối chiếu về tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học, đặc biệt là trường danh tiếng trong và ngoài nước... Từ đó, Bộ có sự động viên, khích lệ hoặc chấn chỉnh kịp thời...
Thứ hai, cần thấy rằng về bản chất, kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay thật ra vẫn chỉ là một trong nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh, qua đó đánh giá chất lượng của hoạt động dạy và học ở các trường phổ thông. Nói điều này, tôi muốn nhấn mạnh nếu muốn đánh giá trung thực khách quan chất lượng của hoạt động dạy học thì rất cần chú ý đến khâu kiểm tra đánh giá trong suốt quá trình học của các em.
Từ đây theo tôi, lẽ ra một khi đã xác định việc lấy “đổi mới thi cử làm khâu đột phá cho vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục” thì Bộ cần tập trung và quan tâm hơn đến khâu kiểm tra đánh trong suốt quá trình học của các em, chứ không nên chỉ nhìn vào kết quả từ một kỳ thi duy nhất như hiện nay.
Nói cách khác, theo tôi đúng ra Bộ Giáo dục cần xem lại việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thể hiện trên điểm qua các hình thức như: kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết, thi giữa kỳ, thi học kỳ... như hiện nay có còn phù hợp nữa hay không; có lỗ hổng hay kẽ hở nào không? Nhất là đặt trong bối cảnh sắp tới đây sẽ thay đổi nội dung và chương trình sách giáo khoa hướng đến mục tiêu đánh giá về năng lực và phẩm chất chứ không đơn thuần chỉ kiểm tra kiến thức theo kiểu học thuộc lòng?
Thứ ba, như nhiều chuyên gia đã nói, mục tiêu và tính chất của việc thi để công nhận tốt nghiệp THPT và thi để được vào học một trường đại học là hoàn toàn khác nhau. Điều này là không phải bàn cãi. Vì một đằng chỉ mang tính chất phổ cập giáo dục đại trà, một đằng là để tuyển chọn nhân tài, tuyển chọn “tinh hoa” cho đất nước. Vì thế, việc tổ chức một kỳ thi để vừa “lấy đó làm kết quả xét công nhận tốt nghiệp phổ thông, vừa lấy đó làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng...” là rất phản khoa học cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Vì vậy, giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương Bộ Giáo dục sẽ tập trung vào việc tổ chức kỳ thi đại học mang tầm quốc gia sao cho thật nghiêm túc. Vì đây sẽ kỳ thi có ý nghĩa tuyển chọn nhân tài; các trường đại học sẽ căn cứ vào đó để tiếp tục đề ra phương án tuyển sinh tùy vào mục tiêu đào tạo và thương hiệu của mỗi trường.
Nếu tổ chức tốt kỳ thi này thì sẽ không lo gì chuyện học sinh phổ thông không chịu học. Đơn giản là vì ước mơ được vào học một trường cao đẳng hay đại học của học sinh và phụ huynh vẫn còn nguyên đó. Nếu em nào chểnh mảng không chịu học thì chắc chắn sẽ không có cơ hội bước vào giảng đường đại học (hay ra nước ngoài du học) để thực hiện những ước mơ của bản thân và gia đình.
Điều quan trọng hơn cả là chúng ta không nên cảm tính và tùy tiện cho rằng “nếu không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông như hiện nay thì học sinh không chịu học”. Không có cơ sở nào để khẳng định như vậy, bởi việc học trước hết, là một nhu cầu và động lực mang tính tự thân của mỗi cá nhân. Nghĩa là “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”.
Về chuyện học sinh không chịu học, nói cho cùng phụ thuộc rất lớn vào nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy của giáo viên... Ngoài ra, còn phụ thuộc vào nhu cầu tài chính của gia đình các em (nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc vùng sâu...). Cứ như hiện nay, kỳ thi vẫn được tổ chức nhưng hàng năm vẫn có hàng nghìn học sinh trên cả nước bỏ học đó thôi?
Thứ tư, có ý kiến cho rằng sắp tới đây vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay nhưng sẽ nhấn mạnh cụ thể mục tiêu và tính chất của kỳ thi này để tránh sự hiểu lầm đây là kỳ thi “2 trong 1”; và việc tuyển sinh đại học và cao đẳng sẽ do các trường đại học tự chịu trách nhiệm theo cơ tự chủ.
Tôi cho rằng quan điểm này cũng không ổn vì như thế lại tiếp tục mâu thuẫn với chủ trương chỉ tổ chức một kỳ thi để tránh lãng phí và gây căng thẳng cho học sinh. Vì lẽ, các trường đại học khi được giao quyền tự chủ nhưng không tin tưởng vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông như hiện nay, họ không muốn lấy kết quả đó để làm cơ sở xét tuyển mà lại tổ chức thêm các kỳ thi khác. Và nếu các trường đều như thế thì khi đó chắc chắn học sinh nào muốn vào đại học lại phải tiếp tục khăn gói đi thi, sự căng thảng và lãng phí sẽ tái diễn.
Cuối cùng, một kỳ thi mà tỷ lệ tốt nghiệp đa phần đều trên 90%, thậm chí có nơi gần như 100% nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì ngoài việc qua qua đó cấp cho các em tấm bằng tốt nghiệp; không những vậy, giờ đây kỳ thi ấy đang bộc lộ nhiều vấn đề tiêu cực gây ra sự hoài nghi đối với toàn xã hội vậy thì có nên tiếp tục duy trì nữa hay không?
Tóm lại, không ai phủ nhận việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia như hiện nay cũng có một vài ưu điểm nhất định, tuy nhiên nếu phải “cân, đong, đo, đếm” mọi lẽ thì theo tôi kỳ thi này vẫn là “lợi bất cập hại”. Vậy nên, trong tình hình và bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ giao kỳ thi này về cho các địa phương tự tổ chức và Bộ tập trung tổ chức một kỳ thi tuyển sinh đại học mang tầm quốc gia (như đã phân tích ở trên) cho thật tốt, có lẽ là phương án khả dĩ và tối ưu nhất.
Nguyễn Trọng Bình