Khi chưa chuẩn bị đầy đủ, du lịch với trẻ em có thể khiến cho cha mẹ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và gặp phải các tình huống khó xử. Ngược lại, chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp cho những chuyến đi trở thành chuỗi kỷ niệm đẹp của gia đình.
Chuẩn bị đầy đủ thông tin về con (nhất là với trẻ nhỏ)
Bạn hãy làm sẵn thẻ thông tin đeo vào cổ, gắn vào ba lô hoặc cài vào áo của con: tên, tuổi, chiều cao, cân nặng, nhóm máu, tiền sử bệnh, thuốc đang dùng và thuốc bị dị ứng (nếu có), và ít nhất hai số điện thoại liên lạc. Nếu có tình huống bất ngờ phát sinh thì có đủ thông tin sẽ thúc đẩy quá trình giúp đỡ trẻ nhanh chóng hơn, nhất là khi trẻ lạc đường hoặc cần trợ giúp y tế.
Trước khi lên đường, hãy chụp lại ảnh toàn thân của con, trong trường hợp cần tìm bé, bạn có thể gửi bức ảnh đó cho những người trợ giúp. Cách này hiệu quả hơn nhiều so với việc mô tả bằng lời hình dáng, mặt mũi ra sao...
Chuẩn bị kỹ năng cho con
Nhiều bố mẹ khi đi chơi cùng con thường có xu hướng bao bọc quá mức và làm giúp con mọi việc. Điều này làm hạn chế khả năng của trẻ trong việc khám phá và hòa nhập với thế giới. Thay vào đó, hãy hướng dẫn con những kỹ năng cơ bản phù hợp ngay từ khi tầm 2-3 tuổi: vệ sinh cá nhân, ăn uống, chọn trang phục, bảo vệ bản thân, giao tiếp...
Khi đi du lịch, hãy chuẩn bị ba lô riêng để con tự quản lý, trong đó có những vật dụng tối thiểu cho hành trình như chai nước, đồ ăn nhẹ, giấy bút, sách hoặc đồ chơi nhỏ, khăn quàng cổ hoặc áo khoác mỏng... Kể cả khi bạn không ở sát bên con, chúng vẫn có thể chăm sóc bản thân trong thời gian ngắn. Trên đường, cha mẹ không nên xách hộ balô của con, không làm thay các việc cá nhân mà hãy để con độc lập ở mức độ tối đa. Với trẻ lớn, hãy mời con tham gia quá trình lên kế hoạch du lịch, chọn khách sạn, điểm đến, lập bản đồ, mua vé tàu xe, hỏi đường, tính tiền và thanh toán... Tất cả sẽ khiến cho con hứng thú và có trách nhiệm hơn với chuyến đi, đồng thời cải thiện kỹ năng sống của con.
Đến từng điểm du lịch, hãy chỉ cho con những nhân viên của nơi đó (bảo vệ, nhân viên lễ tân, nhân viên phục vụ...) để con nhận biết đồng phục và đặc điểm nhận dạng của họ. Trong trường hợp cần thiết, con sẽ tìm những người này để trợ giúp.
Chuẩn bị tâm thế cho con
Môi trường ô nhiễm, giao thông phức tạp, công việc bận rộn, nhà neo người, kinh tế eo hẹp... khiến cha mẹ bao bọc con trong nhà và hạn chế cơ hội tiếp xúc xã hội của con. Điều này khiến nhiều trẻ ngại, thậm chí sợ giao tiếp, sợ môi trường lạ, nhất là khi đi du lịch. Nhiều khi chuyến đi trở thành thảm họa vì đến đâu đứa trẻ cũng khóc và phản ứng tiêu cực với những điều mới lạ.
Để tránh tình trạng này, cha mẹ hãy cho con đi chơi từ nhỏ, với cự li và cường độ phù hợp độ tuổi, sức khỏe và kinh tế gia đình. Cho con làm quen với giao tiếp xã hội, với mọi loại thực phẩm, làm quen với nếp sống văn minh, những người xung quanh. Hãy nói với con ngay từ bé rằng con không phải là trung tâm của vũ trụ nên sẽ cần cân nhắc lợi ích của những người khác bên cạnh thỏa mãn nhu cầu của bản thân... Khi có dịp đi du lịch, kể cả đi nước ngoài, con sẽ đỡ sợ hoặc ích kỷ, có thể thoải mái khám phá môi trường một cách thích thú.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tạo cho con thói quen giải trí lành mạnh như nghe nhạc, đọc sách, vẽ tranh... Khoa học đã chứng minh, khi còn trong bụng mẹ trẻ đã có khả năng cảm nhận âm nhạc, đến khoảng một tuổi đã bắt đầu thích sách và vẽ vời. Nếu được cha mẹ khuyến khích từ nhỏ, trẻ em sẽ biết cách tự giải trí bằng những thú vui đó, và khi đi du lịch, bạn nhỏ có thể dễ dàng trải qua hàng giờ xếp hàng hoặc ngồi trên tàu xe... mà không khó chịu, không làm phiền xung quanh. Lúc đó các bạn nhỏ có thể thỏa thích chìm vào thế giới giải trí của riêng mình thay vì sốt ruột, phản ứng tiêu cực với hoàn cảnh. Cha mẹ hãy hạn chế dùng điện thoại khi đi du lịch và tăng thời gian trò chuyện cùng con.
Chuẩn bị tâm thế cho bản thân
Khi đưa con đi chơi, phần lớn cha mẹ căng thẳng, sốt ruột hơn là đi riêng người lớn với nhau. Tâm lý này hoàn toàn bình thường. Tuy vậy trẻ em rất nhạy cảm, khác với suy nghĩ của nhiều người rằng "bé thì biết cái gì". Thực chất, trẻ lại rất để ý và dễ dàng chịu ảnh hưởng từ cảm xúc, lời nói, hành động của người lớn.
Do đó, muốn con vui vẻ trong suốt quá trình đi chơi, trước hết cha mẹ hãy tự chuẩn bị tâm lý cho bản thân, hạn chế cảm xúc tiêu cực (giận dữ, cáu bẳn, thất vọng...), hạn chế lời nói chê bai, phàn nàn, đòi hỏi, kể cả khi điểm du lịch không như mong đợi, hoặc không hài lòng với dịch vụ. Trong mọi trường hợp, cha mẹ hãy bình tĩnh xử lý, cùng con vượt qua những trắc trở trên đường, điều gì có thể bỏ qua được thì mạnh dạn bỏ qua. Mục đích chuyến đi là để vui vẻ và để trẻ em có thể học hỏi được điều gì đó thú vị về thế giới này và thái độ cùng sự chuẩn bị của cha mẹ rất quan trọng.
Trịnh Hằng