Sáng 27/8, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17 sẽ diễn ra với sự tranh tài của bốn thí sinh: Phan Đăng Nhật Minh (THPT Hải Lăng, Quảng Trị, nhất quý I với 295 điểm), Hà Việt Hoàng (THPT Sóc Sơn, Hà Nội, nhất quý II với 290 điểm), Phạm Thọ Quốc Long (THPT chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận, nhất quý III với 275 điểm) và Phạm Huy Hoàng (THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam, nhất quý IV với 330 điểm).
Phan Đăng Nhật Minh - đối thủ nặng ký trong trận chung kết.
“Cậu bé Google” Phan Đăng Nhật Minh từng giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi trí tuệ Chinh phục diễn ra vào năm 2014, sau khi vượt qua rất nhiều bạn cùng chơi xuất sắc, trong đó có Hồ Đắc Thanh Chương, quán quân Olympia 16. Ở cuộc thi đó, Nhật Minh khiến nhiều người thán phục bởi vốn kiến thức sâu rộng, sự nhanh nhạy và chính xác.
Đến với Đường lên đỉnh Olympia 17, nam sinh Quảng Trị tiếp tục phát huy những tố chất đó. Luôn điềm tĩnh trước những câu hỏi và không thay đổi sắc mặt khi trả lời sai hay đúng, Nhật Minh cho thấy sự “nguy hiểm” của mình. Kết quả, em giành chiến thắng ở cả ba cuộc thi tuần, quý, tháng và đi thẳng đến trận chung kết với hai kỷ lục: thí sinh có điểm thi tuần cao nhất Olympia 17 (400 điểm) và thí sinh có điểm cao nhất Olympia trong suốt 16 năm (460 điểm).
Bà Nguyễn Thị Gái, mẹ Nhật Minh, từng chia sẻ em có khả năng nhận biết các con số khi mới sáu tháng tuổi, đọc chuẩn chữ trên tivi và truyện cổ tích lúc tròn 18 tháng, làm được các phép tính và giải toán rất nhanh từ khi học mầm non. Đang học lớp 9, Minh đã tự học xong chương trình lớp 11.
Với khả năng đặc biệt, Nhật Minh có thể đỗ vào trường chuyên, nhưng em quyết định học ở trường huyện - ngôi trường không có quá nhiều áp lực về mặt thành tích. Nam sinh từng thẳng thắn chia sẻ không thích lúc nào cũng phải học mà chỉ muốn vừa học vừa chơi một cách thoải mái. Thực tế, Nhật Minh không dồn hết thời gian cho việc học, em thường xuyên đọc báo, nghe nhạc để thư giãn, đặc biệt trước mỗi trận thi đấu Olympia.
Thần tượng nhà khoa học Isaac Newton, Nhật Minh hy vọng sẽ trở thành nhà nghiên cứu khoa học để mang kiến thức, hiểu biết của mình phục vụ nhân loại.
Hà Việt Hoàng - ẩn số của trận chung kết.
Hà Việt Hoàng là học sinh đầu tiên của Sóc Sơn, huyện ngoại thành Hà Nội, vào chung kết Olympia. Với thành tích này, nam sinh tự tin khẳng định “Sóc Sơn không chỉ có truyền thuyết Thánh Gióng, sân bay Nội Bài, mà hoàn toàn đủ khả năng có một cầu truyền hình”.
“Nghiền” Olympia từ năm lớp 1, nam sinh lớp 11A1 trường THPT Sóc Sơn đã tập trả lời câu hỏi khi mới học tiểu học và sớm tham gia một số câu lạc bộ hay nhóm học tập ôn luyện Olympia để củng cố kỹ năng và kiến thức. Được tham gia Olympia là niềm tự hào với Hoàng, ngay từ đầu em không đặt nặng vấn đề thành tích mà chỉ đề ra mục tiêu trải nghiệm, học hỏi.
Chính tâm lý thoải mái đó đã giúp Hoàng có những chiến thắng quan trọng ở cuộc thi tuần, tháng, quý với số điểm lần lượt là 310; 235 và 290, qua đó giành vé vào chung kết. Kết thúc cuộc thi quý, chàng trai với nụ cười “tít mắt” đã khóc vì những gì đạt được vượt xa mong đợi của bản thân. “Giây phút được đội chiếc vòng nguyệt quế em vỡ òa trong hạnh phúc. Điều này em chưa từng nghĩ tới khi tham gia cuộc thi này”, Hoàng nói.
Với một ngôi trường ngoại thành không mấy tên tuổi như Sóc Sơn, thành tích của Hà Việt Hoàng là dấu ấn lớn. Cô Nguyễn Thị Lương, giáo viên chủ nhiệm của Hoàng, từng chia sẻ với báo chí, Hoàng ngoan, học giỏi, luôn thích khám phá và rất cầu tiến. Chiến thắng của em ở cuộc thi tuần đã gây bất ngờ cho cả trường và khi được vào chung kết thì Hoàng trở thành niềm tự hào không chỉ của trường mà của cả quê hương Sóc Sơn.
Trước trận chung kết Olympia, Việt Hoàng đã dành thời gian tập trung ôn luyện để mở rộng kiến thức. Vẫn giữ tâm lý thoải mái, Hoàng hy vọng sẽ đạt kết quả tốt và có những kỷ niệm đẹp với chương trình.
Phần thể hiện của Phạm Thọ Quốc Long ở ba cuộc thi trước.
Phạm Thọ Quốc Long được ví “vua lội ngược dòng” ở Đường lên đỉnh Olympia 17 khi liên tục tạo ra những chiến thắng kịch tính ở cuộc thi tháng và quý. Hai lần “hụt hơi” ở phần thi Vượt chướng ngại vật và từng bị thí sinh dẫn đầu bỏ xa với khoảng cách lên tới 100 điểm trước khi Về đích, Quốc Long cho thấy khả năng “càng chơi càng hay” để vượt qua tất cả và giành chiến thắng.
Tại cuộc thi quý, nam sinh lớp 11 Toán trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận) đã bấm nhầm tín hiệu xin trả lời chướng ngại vật khi chưa có từ hàng ngang nào được mở ra. Sự cố này khiến em căng thẳng và thất vọng. Tuy nhiên, em đã kịp bình tĩnh, lấy lại phong độ ở phần thi Tăng tốc.
Ở phần thi Về đích, Long để lại ấn tượng với chiến thuật lấy điểm từ gói câu hỏi của các bạn khác trước khi bước vào phần thi của chính mình. Điều đó đã giúp em bước lên bục vinh quang cao nhất.
Bước vào cuộc thi Olympia với mục đích “để bố mẹ được lên tivi”, Quốc Long không ngờ có thể đem cầu truyền hình năm thứ 17 về Bình Thuận. “Đây là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời em”, Long vui sướng chia sẻ sau cuộc thi quý. Bố mẹ Long tự hào ôm chầm lấy con trai.
Long cho biết đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tinh thần và kiến thức để sẵn sàng cho trận chung kết. Trên giá sách của em, ba chiếc vòng nguyệt quế được xếp ngay ngắn và quan trọng hơn em vẫn chừa một vị trí cho chiếc vòng nguyệt quế đặc biệt cuối cùng.
Phạm Huy Hoàng là đối thủ đáng gờm của "Cậu bé Google" ở chung kết.
Chàng trai "thắng không nói nhiều" Phạm Huy Hoàng là thí sinh cuối cùng giành vé vào chung kết Olympia 17, đồng thời cũng là đối thủ đáng gờm với số điểm ở cuộc thi quý cao nhất trong bốn thí sinh lọt vào chung kết (330 điểm). Điểm thi tuần và tháng của em cũng rất cao, lần lượt là 280 và 340.
Khác Phạm Thọ Quốc Long, Huy Hoàng không tạo ra những chiến thắng đầy kịch tính vì em luôn áp đảo các thí sinh khác ngay sau ba phần thi đầu. Em chưa bao giờ đạt dưới 90 điểm khi Khởi động và dưới 100 điểm trong phần Tăng tốc. Với sự thận trọng trong suy nghĩ cùng chiến thuật hợp lý, em là thí sinh duy nhất ba lần giải thành công chướng ngại vật. Chính những kết quả này giúp Hoàng không phải quá đau đầu chọn gói câu hỏi khi về đích.
Huy Hoàng là học sinh thứ tư của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam lọt vào chung kết Olympia. Ba chàng trai trước đó là Phan Minh Châu (chuyên Hóa, Olympia năm thứ nhất), Phan Minh Đức (chuyên Lý, Olympia năm thứ 10) và Lê Duy Bách (chuyên Hóa, Olympia năm thứ 16). Tuy nhiên, chỉ có Phan Minh Đức từng giành ngôi vị cao nhất.
Cũng là học sinh chuyên Lý giống như tiền bối, Huy Hoàng được kỳ vọng viết tiếp tên trường Ams trong trang sử của Olympia.