Tại Hội thảo Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19 diễn ra ngày 21/5 tại Hà Nội, các đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch, doanh nghiệp đã cùng thảo luận để tìm hướng phục hồi du lịch nội địa và đưa ra bốn giải pháp: Xây dựng ngành du lịch mới, đảm bảo an toàn cho du khách, áp dụng chính sách hợp lý và mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp để cung cấp sản phẩm, dịch vụ hợp thị hiếu.
Xây dựng ngành du lịch mới
Theo ông Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, du lịch được coi là ngành mũi nhọn nên việc phục hồi không phải là vấn đề riêng của ngành. Sau giãn cách xã hội là thời điểm phù hợp để tái cấu trúc nền du lịch. Để làm được điều đó, theo ông Trần Đình Thiên cần định hướng thị trường, hãng hàng không mở ra các điểm đến mới, visa không mở rộng hơn, không chỉ dừng ở 20 nước.
Đồng quan điểm với ông Trần Đình Thiên, đại diện Vietravel, Vingroup, Hanoitourist... đưa ra những đề xuất để tái cấu trúc ngành du lịch. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup chia sẻ cách tự đổi mới từ nội tại của Vinpearl là xây dựng điểm đến, khu vui chơi, giải trí mới để tăng thêm giá trị cho khách hàng. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho rằng cần phân chia thành năm khu vực trọng điểm du lịch gồm: Miền Bắc, miền Trung, miền Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ và miền Tây. Đại diện Hanoitourist cho rằng doanh nghiệp nên phát triển hình thức du lịch mới như du lịch lữ hành tại các thành phố, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Đảm bảo an toàn cho du khách
Hội thảo tìm giải pháp phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh Việt Nam là nước đi đầu thế giới trong phòng chống dịch, đã gần một tháng chưa có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, các đại biểu có chung quan điểm cần đảm bảo an toàn cho du khách. Trong khảo sát của Tổng cục Du lịch kết hợp với Google và báo VnExpress thực hiện, du khách nội địa cũng ưu tiên du lịch an toàn. An toàn cũng là từ khóa thu hút cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam đi du lịch nội địa.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ có thể ứng dụng công nghệ để kiểm soát dịch bệnh. Tổng cục du lịch đang thực hiện kế hoạch truyền thông về những điềm đến đảm bảo cho du khách. Ông Nguyễn Lê Phúc mong các công ty, doanh nghiệp du lịch, lữ hành... cùng hỗ trợ truyền thông, đưa ra các tiêu chí, điểm đến an toàn.
Ngoài việc đảm bảo an toàn ở điểm đến, truyên các chuyến bay và phương tiện vận chuyển, đại diện các doanh nghiệp cũng khẳng định cần đẩy mạnh truyền thông để du khách bớt cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Các doanh nghiệp mở rộng hợp tác
Trong bối cảnh ngành du lịch đóng băng dài ngày, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cùng chung ý kiến chia sẻ, các doanh nghiệp cần thể hiện vai trò dẫn dắt. Sự bắt tay của các doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả vào việc kích cầu ngành.
Các hãng hàng không có thể hợp tác với các công ty công ty lữ hành thiết kế những gói kích cầu. Các doanh nghiệp du lịch phối hợp với công ty lưu trú, nhà hàng ẩm thực để ra mắt gói du lịch trọn gói theo xu hướng khách muốn đặt tour trực tiếp với nhà cung cấp.
Bên cạnh đó, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch, khẳng định, nhà nước cũng đồng hành với doanh nghiệp từ những việc đơn giản như giảm giá vé khu tham quan, du lịch,
phải liên kết để trong hai tháng khôi phục hoạt động du lịch, sau bốn tháng hồi phục, cuối năm trở lại như cũ.
Áp dụng chính sách giảm giá hợp lý
Theo khảo sát xu hướng đi du lịch trở lại sau giãn cách xã hội, du khách mong muốn được tận hưởng những chuyên đi có nhiểu ưu đãi. Tuy nhiên, Lãnh đạo Tổng cục du lịch cũng chia sẻ doanh nghiệp nên cân nhắc về mức giá và thực hiện chương trình ưu đãi hợp lý. Theo chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành, kích cầu ngành du lịch có thể giảm giá nhưng cần khống chế ở mức độ nhất định.
Việc giảm giá tràn lan dễ gây khủng hoảng cho doanh nghiệp, người dân có tâm lý chờ giảm giá sâu hơn nữa mới đi du lịch. Giảm giá nhiều và liên tục không phải là giải pháp phát triển bền vững. Các đại biểu tha dự hội nghị chung quan điểm cần có chính sách giảm giá hợp lý, được doanh nghiệp tuân thủ.
Hội thảo Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19 do Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp cùng Ban IV và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tổ chức. Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Giới thiệu thời điểm vàng để khám phá du lịch Việt Nam diễn ra vào ngày 16/5 tại Thanh Hóa, chính quyền và doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều giải pháp kích cầu du lịch nội địa. Theo đó các vấn đề như đảm bảo an toàn, quảng bá, chính sách giá cũng được thảo luận.
Nha Trang
Ảnh: Thanh Huế