Bình Định là một trong số ít các địa phương của Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Cơ quan này có 4 dự án, phi dự án triển khai tại địa phương Nam Trung bộ gồm các chương trình về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải ngành thủy sản; giảm tải rác thải nhựa đại dương; xây dựng cộng đồng ven biển thông minh; xây dựng làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc.
Trong buổi gặp gỡ giữa UBND tỉnh và đại diện UNDP, hôm 27/11, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của địa phương khi phối hợp triển khai các chương trình.
Đối với phi dự án "Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản" áp dụng tại Quy Nhơn, ông Patrick Haverman cho biết, một trong những kết quả quan trọng nhất của dự án này là thành lập cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) có khả năng xử lý 2 - 4 tấn rác thải nhựa mỗi ngày.
Trong lĩnh vực thủy sản, UNDP phối hợp với Chi cục Thủy sản và thành phố Quy Nhơn triển khai thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ. Chương trình vừa được khởi động sáng 27/11. Các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ được các chuyên gia giới thiệu về mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ, hỗ trợ 200 túi đựng rác thải trang bị trên tàu cá. Chương trình cũng trao thiết bị hỗ trợ mô hình thu gom rác thải nhựa và ra mắt tổ thu gom rác thải nhựa cảng cá Quy Nhơn. Dự án còn tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá tại cảng Quy Nhơn, vốn đầu tư 683 triệu đồng.
Ông Patrick Haverman mong muốn UBND tỉnh Bình Định ủng hộ triển khai chương trình này, ban hành chính sách để thể chế hóa quy trình thu gom rác nhựa từ tàu cá. UNDP cũng đề nghị đẩy nhanh thủ tục bàn giao tài sản cho đơn vị vận hành MRF.
Đại diện UNDP cũng chia sẻ về tầm quan trọng của "dự án về rác thải nhựa đại dương". Chương trình vừa được Quỹ Môi trường Toàn cầu phê duyệt với tổng kinh phí 2 triệu USD. Thời gian tới, dự án sẽ bổ sung và tăng cường hỗ trợ cho cơ sở thu hồi vật liệu, đồng thời đề xuất các biện pháp can thiệp sâu hơn như phân loại rác thải tại nguồn, các giải pháp giảm thiểu nhựa trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại tỉnh Bình Định.
Với dự án "cộng đồng ven biển thông minh", UNDP tài trợ 30 tỷ đồng để góp phần cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ. Để đạt mục tiêu đã đề ra, ông Patrick Haverman kiến nghị Bình Định đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và sớm chuẩn bị kế hoạch triển khai dự án.
Dự án còn lại là "Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc" đã triển khai giai đoạn hai với mức tài trợ 100 tỷ đồng. Dự án hợp tác với Hàn Quốc nhằm tăng cường trao quyền cho các cộng đồng địa phương phát triển nông thôn thông qua nâng cao tiếp cận đất đai đã rà phá bom mìn, nâng cao năng lực và phát triển sinh kế.
Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, địa phương dành sự quan tâm đặc biệt cho các chương trình do UNDP tài trợ. Tỉnh cam kết rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai để đảm bảo tiến độ đề ra. Trước những đề xuất từ UNDP, ông Hoàng cho biết tỉnh sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép, đồng thời giao các Sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện các chương trình.
Ngoài Bình Định, UNDP cũng đang triển khai nhiều chương trình thông qua vốn ODA tại một số địa phương như Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng,...
Hoài Phương