Ngày 19/11, Bên phía nhà Swann - tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất của nhà văn Marcel Proust - được phát hành ở Việt Nam. Một buổi tọa đàm, giao lưu với các dịch giả bộ sách diễn ra tối 19/11 tại hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.
Đi tìm thời gian đã mất được bình chọn là một trong 10 tiểu thuyết được yêu thích nhất thế kỷ 20 và được tạp chí Time xếp thứ tám trong 10 cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời. Tác giả của bộ sách tên đầy đủ là Valentine Louis Georges Eugène Marcel Proust (1871 - 1922). Ông được coi là một trong ba tiểu thuyết gia xuất sắc mọi thời đại. Đi tìm thời gian đã mất là tác phẩm làm nên cuộc cách mạng văn chương Pháp đầu thế kỷ XX. Dù tác phẩm được ưa thích hay không, nó luôn được lấy làm điểm quy chiếu: có một cách viết tiểu thuyết, cách đọc tiểu thuyết trước và sau Proust.
Ở Việt Nam, một trong bảy cuốn Đi tìm thời gian đã mất, tập hai Dưới bóng những cô gái tuổi hoa, từng được dịch giả Nguyễn Trọng Định chuyển ngữ và in từ năm 1992. Đến năm 2013, tập một Bên phía nhà Swann mới được phát hành với phần chuyển ngữ của nhiều dịch giả trong một dự án lớn. Ông Vũ Hoàng Giang - phó giám đốc công ty Nhã Nam (đơn vị liên kết phát hành bộ sách) - cho biết: "Chuyển ngữ Đi tìm thời gian đã mất là một dự án lớn và dài hơi của chúng tôi. Xuất phát từ cuộc gặp gỡ của các dịch giả, họ cùng bàn luận và mong muốn Đi tìm thời gian đã mất có thể được giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Bốn dịch giả Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường và Đặng Anh Đào, là những dịch giả gắn bó và đã dịch nhiều cuốn Pháp văn, cùng nhau thực hiện dịch bộ tiểu thuyết lớn này". Ngay ở đầu cuốn sách có một trang ghi rõ phần nào của ai dịch như một cách trân trọng dành cho dịch giả.
Cả bốn dịch giả cuốn Bên phía nhà Swann đều đã ngoài 80 tuổi, nhưng đều bắt tay dịch với nhiều tâm huyết. Dịch giả Đặng Thị Hạnh có nói: "Nếu tôi ra đi mà sách Proust vẫn chưa được phát hành đến tay độc giả Việt thì quả là tôi không yên tâm chút nào". Dịch giả Dương Tường kể lại: "Cả bốn chúng tôi đã vào cuộc đầy háo hức, nhưng quá trình thì đúng là một cuộc vật lộn, bởi văn chương Proust có những câu như một mê lộ". Dịch giả Đặng Anh Đào cũng cho rằng khi dịch xong phần của mình, bà cảm thấy mệt, nhưng với bà, đó là một cuộc du lịch văn chương thú vị. Bà nói vui: Ông Proust thì đi tìm thời gian đã mất, còn tôi thì cứ mải miết đi tìm chủ từ đã mất.
Lý giải cho việc vì sao dịch Proust khó đến thế, dịch giả Lê Hồng Sâm đã viện câu của nhà văn Anatole: "Cuộc đời quá ngắn mà Proust quá dài". Bà Lê Hồng Sâm còn giải thích cặn kẽ: "Mấy nghìn trang sách của Proust đan cài biết bao nhiêu luận bàn, quy chiếu thiên hình vạn trạng với huyền thoại, truyền thuyết, tác phẩm văn chương, âm nhạc, hội họa... nên đòi hỏi vô số chú thích khiến việc đọc gián đoạn mệt mỏi. Bút pháp Proust cũng gây nản lòng không kém. Ông có những câu văn 'dây leo' dài lê thê gồm rất nhiều mệnh đề với rất nhiều quan hệ kết hợp, phụ thuộc, xen thêm, so sánh, đối lập, song song... Cú pháp của Proust thách đố người dịch".
Tuy có bốn người dịch nhưng Bên phía nhà Swann có giọng văn khá thống nhất. Bà Đặng Thị Hạnh cho biết có được sự đồng thuận ấy bởi cả bốn đều là những người cùng thời đại nên suy nghĩ, ý tưởng có phần tương đồng. Cả bốn vị dịch giả đưa ra nguyên tắc dịch với nhau, đó là cùng dịch với tinh thần trung thành với bản gốc, tôn trọng cấu trúc câu trong văn Proust. "Chỉ khi cần thiết lắm mới chuyển đổi vị trí một giới từ, một liên từ, với tất cả sự thận trọng" - bà Lê Hồng Sâm nói thêm.
Trong buổi tọa đàm giới thiệu sách Bên phía nhà Swann, không có quá đông khán giả đến dự, nhưng qua việc phát biểu giao lưu có thể thấy những người tới đều rất am hiểu về văn chương hoặc quan tâm tới Proust. Một độc giả nhận định văn Proust đọc không có gì đặc sắc mấy, mà sao nhiều người ca ngợi. Dịch giả Đặng Anh Đào cho rằng bà cũng không thích văn Proust, nhưng việc bà không thích không có nghĩa là tác phẩm đó không hay. Còn chị gái của bà - dịch giả Đặng Thị Hạnh phản bác: có thể bạn chưa đọc được những tác phẩm xuất sắc của Proust nên mới đánh giá như vậy. Một độc giả khác thì so sánh Đi tìm thời gian đã mất giống như một Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Vì bên cạnh câu chuyện tình yêu còn là những kiến thức về thơ ca, hội họa, ẩm thức... tất cả đều là những tinh hoa cả.
Bên cạnh nhóm bốn dịch giả cao niên, dự án chuyển ngữ bộ Đi tìm thời gian đã mất còn có sự tham gia của nhóm các dịch giả trẻ. Nhóm người trẻ có sự tham gia của tiến sĩ Nguyễn Giáng Hương – người dành nhiều thời gian công sức cho việc nghiên cứu Proust. Bà Lê Hồng Sâm cho biết: Nhóm các dịch giả cao niên sẽ dịch từ trên xuống (nghĩa là dịch từ tập 1 trở đi), còn nhóm trẻ sẽ dịch từ dưới lên (dịch từ tập 7), càng có nhiều người dịch Proust càng tốt. Bà nói: "Chúng tôi rất mừng vì đã có lớp trẻ kế cận, vì việc dịch Proust còn quá dài và con đường gian nan, nên chúng tôi cũng không biết thời gian và sức khỏe có cho phép đi tới chặng cuối con đường hay không".
Hiền Đỗ