Tại hội thảo “Gateway to Vietnam 2017”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trần Văn Dũng đánh giá, thị trường vốn và thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục đà tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu, hướng tới sự phát triển bền vững trong thời gian tới. Ông Dũng đưa ra 4 cơ sở để đặt kỳ vọng vào bức tranh tươi sáng của thị trường vốn.
Kinh tế vĩ mô ổn định
Tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% trong năm nay và được dự báo duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo, trong khi lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu, tỷ giá tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất vốn được duy trì ở mức hợp lý. Về quan điểm phát triển của Việt Nam đang có sự chuyển dịch, chính thức coi kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Đây là điều kiện rất cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ trương thoái vốn nhà nước mạnh mẽ
Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian tới của Chính phủ sẽ cung cấp một lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã cổ phần hóa thành công 34/44 doanh nghiệp Nhà nước nằm trong kế hoạch. Năm 2018, Chính phủ đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty giấy Việt Nam, Mobifone và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện…
Năm 2019, mặc dù kế hoạch của Chính phủ dự kiến cổ phần hóa chỉ 18 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tên tuổi lớn là những tổng công ty, tập đoàn ở các ngành viễn thông, khoáng sản, hóa chất… Trong những tháng cuối năm 2017, một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa ngành dầu khí, năng lượng, thực phẩm.
Các kế hoạch này cho thấy, trong 1-2 năm tới, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Triển vọng từ nhân tố mới
Một số sản phẩm sắp tới sẽ được đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ làm tăng cơ hội đầu tư. Ngày 10/08/2017, Việt Nam đã chính thức mở thị trường chứng khoán phái sinh với sản phẩm giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Mặc dù mới có 7/78 số công ty chứng khoán được công nhận làm thành viên giao dịch, nhưng thị trường non trẻ này đã có hơn 10.000 tài khoản giao dịch, giá trị giao dịch bình quân tháng đạt hơn 445 tỷ đồng/phiên và số lượng hợp đồng duy trì ở mức khoảng 24.700 hợp đồng/ngày.
Sản phẩm mới sắp tới có chứng quyền bảo đảm dự kiến đưa vào giao dịch vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Trái phiếu chính phủ sẽ được đưa vào giao dịch năm 2018 và một số chứng khoán phái sinh khác đang được tiếp tục nghiên cứu để đưa vào thị trường năm 2019 và 2020. Các sản phẩm mới này đáp ứng nhu cầu đầu tư và nhu cầu phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở.
Pháp lý đang dần hoàn thiện
Hệ thống pháp lý cho thị trường vốn - thị trường chứng khoán sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Theo đó Bộ Tài chính dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm 2019. Cùng với Luật Doanh nghiệp 2015 và các luật liên quan, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Sự chuẩn bị này tạo khuôn khổ pháp lý cho các sản phẩm mới trên thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán của các cơ quan quản lý. Đây chính là cơ sở đảm bảo thị trường phát triển bền vững và minh bạch.
Bên cạnh các nhân tố lạc quan, ông Dũng cũng khuyến nghị nhà đầu tư luôn theo dõi, để phòng ngừa rủi ro từ những nhân tố không chắc chắn có thể ảnh hướng đến tốc độ phát triển và cơ hội đầu tư.
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên, các ẩn số khó đoán do diễn biến thất thường sẽ tác động đến thị trường chứng khoán trong nước gồm có: đàm phán Brexit, tình hình Triều Tiên, Trung Đông hay nạn khủng bố, khủng hoảng nhập cư...
Hà Thanh