Chiều 12/11, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. VnExpress xin giới thiệu bài viết của GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng.
Tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ xem xét và biểu quyết thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (đề án đổi mới). Với số tiền dự chi từ ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, đề án đổi mới không thuộc loại dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Có thể vì vậy mà lần này, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng chỉ được giao nhiệm vụ thẩm tra bản dự thảo Nghị quyết của Quốc hội - một văn bản theo lẽ thường, do chính Ủy ban này soạn thảo, chứ không phải thẩm tra đề án mà Chính phủ trình. Và có lẽ cũng vì vậy mà lần đầu tiên, Quốc hội xem xét một chủ trương quan trọng, liên quan đến hàng chục triệu người (giáo viên, học sinh phổ thông và phụ huynh học sinh) mà không có báo cáo đánh giá tác động kèm theo.
Tôi không bình luận về thủ tục làm việc của Quốc hội nhưng cũng không tập trung vào phân tích câu chữ ở dự thảo Nghị quyết mà xin trao đổi về một số nội dung chính của đề án đổi mới.
Về việc biên soạn sách giáo khoa mới, tôi thấy có 4 câu hỏi cần trả lời. Thứ nhất là thay đổi toàn bộ sách giáo khoa hay chỉ thay đổi những quyển, những nội dung không phù hợp?
Đề án đổi mới xác định tinh thần “kế thừa” chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Nhưng phương án nêu ra trên thực tế là “xóa đi, làm lại từ đầu”. Theo tôi, cách làm này không phù hợp với việc giải quyết các vấn đề xã hội. E rằng nó khó có thể đem lại kết quả mong muốn, nhất là khi được thực hiện trong một thời gian rất gấp mà không qua dạy thử nghiệm.
Bộ sách giáo khoa hiện hành được dạy thử nghiệm 4 năm ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh mà khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nếu lần này, đề án đổi mới chỉ chủ trương dạy thử nghiệm những nội dung mới và giao việc này cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tự thực hiện, tự đánh giá thì khó có thể yên tâm về chất lượng và tính khả thi của những bộ sách giáo khoa đó.
Theo tôi, có thể chọn một phương án khác là trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành một cách cụ thể hơn, chúng ta giữ lại những bộ sách phù hợp, chỉ thay những quyển sách, những nội dung không phù hợp. Ưu điểm của phương án này là phù hợp với thời gian biên soạn, thử nghiệm, tập huấn quá ngắn và đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Thay đổi sách giáo khoa ngay một lúc hay có lộ trình?
Phương án của đề án đổi mới là thay đổi toàn bộ sách giáo khoa cùng một lúc; trước mắt thay toàn bộ sách giáo khoa các môn học ở cả 3 cấp học, mỗi cấp thay luôn sách của 2 lớp đầu cấp. E rằng phương án này khó có thể đem lại kết quả mong muốn, vì nó giống như xây 6 tầng nhà cùng lúc và xây trong một thời gian rất gấp gáp.
Trong hoàn cảnh hiện nay, phương án tốt nhất là đổi mới theo lộ trình 3 bước như sau. Thứ nhất, điều chỉnh, bổ sung chương trình hiện hành theo hướng làm cho nó cụ thể hơn, cập nhật hơn, có tính thực hành cao hơn và nhẹ hơn. Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực của người học, làm cho chương trình tác động mạnh hơn đến sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Thứ ba, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn dần từng quyển hoặc từng bộ sách giáo khoa thay thế sách hiện hành. Không đặt vấn đề thay đổi toàn bộ sách giáo khoa ngay một lúc vì làm gấp như vậy vừa khó đảm bảo chất lượng, vừa tốn kém.
Ưu điểm của phương án này là có đủ thời gian thực hiện công việc đổi mới một cách có chất lượng trên cơ sở đảm bảo sự tham gia của xã hội, không có những lứa học sinh phải học theo chương trình cắt khúc lúc cũ lúc mới.
Bộ GD&ĐT có nên trực tiếp làm sách giáo khoa?
Phương án nêu trong đề án đổi mới là thực hiện xã hội hóa đối với toàn bộ công việc viết sách giáo khoa, nhưng Bộ GD&ĐT có một bộ sách giáo khoa làm căn bản.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng Bộ GD&ĐT không nên trực tiếp biên soạn sách giáo khoa. Ảnh: N.T. |
Việc có nhiều tổ chức, cá nhân soạn sách giáo khoa sẽ huy động được nguồn trí tuệ và tài chính của xã hội, đồng thời tạo ra một cuộc thi đua để không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Như vậy là có lợi cho người học, người dạy, đồng thời cũng san sẻ gánh nặng cho Nhà nước nếu như Nhà nước tiếp tục đầu tư ngân sách tổ chức biên soạn, xuất bản một bộ sách giáo khoa “quốc doanh”.
Tuy nhiên, theo tôi Bộ GD&ĐT không nên trực tiếp đứng ra biên soạn sách giáo khoa. Bộ là cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, soạn các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chứ không làm thay các nhà chuyên môn, nhà xuất bản và các trường.
Cơ quan chuyên môn của Bộ đã bận tổ chức thi cử, làm dự án, nay kiêm cả việc biên soạn sách giáo khoa nữa thì còn thời giờ đâu thực hiện chức năng quản lý nhà nước? Hãy tưởng tượng sự phi lý của việc Bộ Công Thương đứng ra sản xuất máy cày, Bộ Y tế trực tiếp khám, chữa bệnh ngoài da, sẽ thấy phương án Bộ GD&ĐT trực tiếp sản xuất sách giáo khoa vô lý như thế nào.
Bộ GD&ĐT có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị thuộc quyền quản lý của mình, tốt nhất là giao việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa cho đơn vị đó. Như vậy vừa phù hợp với chức năng, vừa tạo điều kiện để họ thực hiện công việc này bình đẳng với các tổ chức, cá nhân, các nhà xuất bản khác. NXB Giáo dục hay các NXB khác muốn làm sách giáo khoa thì tự bỏ tiền ra làm, nếu thiếu kinh phí có thể vay vốn Nhà nước rồi hoàn lại bằng tiền bán sách. Còn nếu Bộ đứng ra làm thì tất nhiên ngân sách nhà nước phải cấp, chắc chắn sẽ không có hiệu quả bằng việc các NXB bỏ tiền túi ra làm.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nói: "Nếu Bộ GD&ĐT làm ra một bộ sách mà các trường lại không chọn dùng thì hóa ra bao nhiêu tỷ đồng Nhà nước cấp cho Bộ lại bị bỏ phí hay sao?". Tôi tán đồng ý kiến này, và xin bổ sung: Nếu Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn sách mà nhiều cơ sở không dùng, e rằng Bộ sẽ mất uy tín.
Bộ GD&ĐT làm sách giáo khoa, đồng thời nắm quyền chỉ đạo hội đồng thẩm định, thực hiện chương trình, quyền ra đề và tổ chức thi tốt nghiệp thì theo lẽ thường chắc chắn các trường sẽ “chấm” bộ sách giáo khoa đó. Như vậy, cạnh tranh sẽ không công bằng và đáng ngại hơn cả sự không công bằng là những bộ sách giáo khoa hoặc quyển sách giáo khoa đưa vào trường chưa chắc đã là tốt nhất.
Đề án đổi mới còn có sáng kiến bán đấu giá bộ sách giáo khoa “chuẩn” của Bộ GD&ĐT cho các nhà xuất bản. Theo lẽ thường, khi bán đấu giá sản phẩm, hàng hóa, ai trả giá cao sẽ mua được. Liệu lúc đó giá sách giáo khoa có tăng lên, ảnh hưởng đến các gia đình có con đi học không? Đây cũng là một điều nên được cân nhắc kỹ.
Ai có quyền lựa chọn sách giáo khoa và lựa chọn như thế nào?
Ở hầu hết các nước, giáo viên không dạy hẳn theo một bộ sách giáo khoa nào mà căn cứ vào tình hình thực tế của lớp, họ chọn bài phù hợp nhất trong những cuốn sách giáo khoa đã có để dạy. Bài thì chọn ở sách này, bài chọn ở sách khác, thậm chí có khi họ photo một trang sách nào đó đem dạy cho học sinh.
Theo tôi, thực hiện theo cách này mới phát huy được ưu điểm của phương án “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Còn mỗi trường hay mỗi tỉnh dùng một bộ sách giáo khoa thống nhất thì thực chất vẫn là “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy phải có chương trình chi tiết, giáo viên có quyền tự quyết cao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đồng thời nhà trường phải có tiền mua sách để trong thư viện hoặc trong lớp cho học sinh sử dụng.
Theo đề án đổi mới, việc lựa chọn sách giáo khoa được giao cho từng trường. Đó là phương án hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng nếu nhà trường không dựa vào sự bàn bạc, thống nhất của tập thể giáo viên từng môn học mà tập trung quyền quyết định vào một người thì khó tránh khỏi những quyết định chủ quan; thậm chí khó tránh khỏi những quyết định dựa trên mức độ “tiếp thị hậu hĩnh” của nhà xuất bản.
Về tác động của chương trình, sách giáo khoa mới, tôi không có điều kiện đánh giá tác động thay cho ban soạn thảo Đề án đổi mới. Tôi chỉ xin lưu ý là tinh thần phát triển năng lực và phẩm chất người học không phải là cái gì mới so với chương trình hiện hành. Có lẽ chính vì thế mà Đề án đổi mới không chủ trương dành một thời gian riêng (3-4 năm như lúc bắt đầu xây dựng chương trình hiện hành) để dạy thử nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới.
Như vậy, có thể thấy 6 chữ “phát triển năng lực, phẩm chất” tự nó không phải là cây đũa thần kỳ tạo ra sự đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục phổ thông. Để chương trình, sách giáo khoa mới tạo ra một chất lượng giáo dục mới, trước hết, chương trình và sách giáo khoa phải hiện thực hóa được tư tưởng “phát triển năng lực, phẩm chất” của người học.
Bên cạnh đó, cần phải có rất nhiều yếu tố khác kèm theo, đặc biệt là việc đào tạo đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học và nâng cấp cơ sở vật chất của các trường. Còn nếu chỉ trông vào mỗi việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì cũng không thể nâng cao được chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay.
Nguyễn Minh Thuyết