Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Công Uẩn sinh ngày 12/2 năm Giáp Tuất (tức ngày 8/3/974), là người Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh). Từ năm 3 tuổi, Lý Công Uẩn được mẹ ẵm đến cho làm con nuôi nhà sư Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp. Sau đó, ông được sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ nuôi học.

Tượng vua Lý Thái Tổ. Ảnh: Wikipedia
Lý Công Uẩn lớn lên có chí lớn khác thường. Ông từng được làm Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ, tức Tổng chỉ huy quân vệ binh của vua ở thời Tiền Lê. Vào mùa đông, tháng 10 năm 1009, vua Lê Long Đĩnh qua đời.
Nhân lòng người và các triều thần đã chán ghét nhà Tiền Lê, sư Vạn Hạnh cùng bầy tôi trong triều đã vận động và tôn Lý Công Uẩn làm vua vào ngày 2/11 năm Kỷ Dậu (tức 21/11/1009). Khi đó, Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ, 35 tuổi.
Sau khi lên ngôi, năm 1010, Lý Thái Tổ đã có một quyết định quan trọng đối với vương triều Lý và cả dân tộc lúc bấy giờ là dời đô từ Hoa Lư (Trường Yên, Ninh Bình) về Đại La (hay La Thành), tức Hà Nội ngày nay.
Trong Chiếu dời đô viết vào tháng 2, vua Lý Thái Tổ nhấn mạnh chỉ có Đại La mới là nơi "thắng địa", thực sự là chỗ "tụ hội quan yếu của 4 phương", nơi "thượng đô Kinh sư mãi muôn đời".