Bác sĩ Lê Tấn Bảo, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, ngày 22/3 cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau cột sống ngực nhiều, xoay trở đau tăng, không thể tự ngồi dậy được, mỗi lần hít thở là đau tăng lan theo xương sườn, cảm giác khó thở. Trước đó, bà ngã đập lưng và đầu xuống nền cứng.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xẹp đốt sống lưng D4. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị loãng xương. Đây có thể là nguyên nhân khiến bà bị xẹp đốt sống khi ngã. Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh đã bơm xi măng sinh học (ciment) vào thân đốt sống, điều trị cho bệnh nhân.
Sau khi gây tê tại chỗ, bác sĩ sử dụng một kim đặc biệt đi qua các phần mềm ở lưng và đưa vào đốt sống cần can thiệp. Dưới hướng dẫn của máy chụp X-quang C-arm, vị trí của kim được kiểm soát chính xác trong toàn bộ quá trình. Sau khi kim đã được đưa vào thân đốt sống, một lượng xi măng sinh học sẽ được đưa từ ngoài qua kim để vào trong. Xi măng sinh học này khi bơm vào sẽ cứng dần lên.
Một giờ sau thực hiện phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể tự xoay trở, thay đổi tư thế và tập đi lại nhẹ nhàng.
Theo bác sĩ Bảo, phương pháp bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống là phương pháp ít xâm lấn, điều trị thích hợp cho những người bị xẹp đốt sống do loãng xương hoặc chấn thương một cách ổn định. So với các phương pháp truyền thống, phương pháp này có nhiều ưu điểm như an toàn, thời gian thực hiện nhanh chóng, ít xâm lấn, giảm đau hiệu quả lập tức, hồi phục nhanh hơn, và tránh được nguy cơ gù, trượt đốt sống về sau.

Vị trí đốt sống D4 bị xẹp trước can thiệp (bên trái) và sau khi bơm xi măng sinh học (bên phải). Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Thư Anh