Kể từ khi "Na Tra 2" đại thắng phòng vé Trung Quốc, lượng khách đến khu thắng cảnh Thùy Bình Sơn ở Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam đất nước đã tăng mạnh. Theo báo cáo của địa phương, điểm du lịch Na Tra cung, được xây dựng vào năm 1991 và lấy cảm hứng từ các câu chuyện thần thoại, đón lượng khách đột biến.
"Thông thường, lượng khách tại các khu thắng cảnh sẽ giảm sau kỳ nghỉ xuân nhưng từ ngày 1/2, lượng khách không giảm, thậm chí còn tăng", đại diện khu thắng cảnh nói.
Lượng khách cao nhất trong một ngày tại Na Tra cung đạt khoảng 8.000 người dịp nghỉ Tết, trong khi số lượng trung bình hàng ngày vào khoảng 4.000. Từ ngày 1/2 đến ngày 15/2, Na Tra cung đón tổng cộng 65.000 lượt khách, gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuần trước 6/2, lượng tìm kiếm về các điểm đến liên quan đến Na Tra như Nghi Tân và Giang Du ở Tứ Xuyên đã tăng mạnh. Theo dữ liệu từ nền tảng du lịch Fliggy, lượng tìm kiếm về Nghi Tân tăng 225%, trong khi Giang Du tăng 453%.

Du khách chụp ảnh với tượng Na Tra tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Ảnh: China Daily
Thành công của bộ phim cũng đã thúc đẩy ngành du lịch tại Tây Hiệp, thuộc tỉnh Hà Nam. Các điểm tham quan như Na Tra Tổ Miếu và Ải Trần Đường - quê hương của Na Tra trong truyền thuyết - ngày càng thu hút du khách, theo ông Trương Khải - Phó giám đốc trung tâm phát triển văn hóa du lịch Tây Hiệp.
Số lượng khách du lịch tại các điểm tham quan chính trong huyện tăng so với năm trước, trong khi lượng đặt phòng khách sạn tăng gần gấp đôi kể từ khi bộ phim ra mắt. Huyện Tây Hiệp ghi nhận mức tăng 18% về lượng khách và 13,2% về tổng doanh thu du lịch, thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan như ăn uống và lưu trú.
Tây Hiệp đã hợp tác với bảy khu danh thắng lớn trong huyện để triển khai chương trình khuyến mãi, tặng vé vào cửa miễn phí và các trải nghiệm du lịch đặc biệt cho những khách sở hữu vé xem phim Na Tra.
Các địa phương khác cũng đang tích cực triển khai loạt hoạt động du lịch văn hóa liên quan đến bộ phim. Tượng Na Tra trên Đại lộ Giao Tử ở Thành Đô, Tứ Xuyên, đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách đến chụp ảnh, theo chia sẻ từ những người dân sống gần khu vực này.
"Vào buổi tối, khi màn hình của Song Tháp Thành Đô chiếu hình ảnh của Na Tra và Ngao Bính, cảnh tượng du khách chụp ảnh bên dưới thực sự ngoạn mục", Trương, 27 tuổi, sống tại Thành Đô, cho biết. Cô nói thêm thành phố hóa "Na Tra thành" khi nhiều nhà đã trang trí bằng hình ảnh các nhân vật trong phim.
Cơn sốt du lịch này phản ánh mức độ quan tâm ngày càng tăng tới văn hóa ở Trung Quốc và sự tiến bộ của đội ngũ sản xuất phim. Giáo sư Trương Lăng Vân, Tổng biên tập tạp chí Tourism Tribune, nói thúc đẩy du lịch qua sức hút phim ảnh là xu hướng mới. Điều này phụ thuộc vào chất lượng sản xuất và thành công của phòng vé.
"Hình thức du lịch kết hợp văn hóa này nâng cao trải nghiệm của du khách thông qua sản phẩm phim ảnh, khác biệt với mô hình du lịch ẩm thực hay tham quan truyền thống", ông nói.
"Na Tra 2" ra mắt vào mùng 1 Tết, cán mốc 10 tỷ NDT (hơn 1,3 tỷ USD), được truyền thông Trung Quốc gọi là thời khắc lịch sử của điện ảnh nước nhà. "Na Tra 2" còn xác lập các thành tích như phim doanh thu cao nhất chỉ tính tại một thị trường, vượt kỷ lục của "Star Wars: The Force Awakens" tại thị trường Mỹ; phim không do Hollywood sản xuất đầu tiên doanh thu vượt một tỷ USD; phim châu Á duy nhất trong danh sách 20 tác phẩm ăn khách nhất thế giới mọi thời.
Hai phần hoạt hình đều do Sủi Cảo đạo diễn, truyền thông điệp phá vỡ thành kiến, ta là ai do bản thân ta định đoạt, không phải do tất cả quan niệm xung quanh. Phần hai được đánh giá vượt tưởng tượng người xem về truyền thuyết Na Tra đại náo đại dương.
Hoài Anh (Theo Global Times)