Thứ sáu, 6/8/2021, 13:43 (GMT+7)

'Bom nổ' ở Camp Nou như thế nào

Nửa đêm 5/8, một cú nổ khiến cả thế giới bóng đá rúng động. Barca thông báo không thể tiếp tục gắn bó với Lionel Messi. Lần đầu tiên kể từ 2000, hai thực thể này đứng trước khả năng tách rời.

Sau 16 mùa gắn bó cùng đội một Barca, ghi 672 bàn và giành sáu Quả Bóng Vàng với bốn chức vô địch Champions League, Messi, một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử và vĩ đại nhất của Barca, sẽ rời CLB hè này.

Sự kiện nằm ngoài khả năng tiên liệu của tất cả, nhưng cũng ẩn chứa cả thuyết âm mưu.

Quả bom đã phát nổ thế nào

Lúc 23h09 ngày 5 tháng 8, nhật báo Marca của Tây Ban Nha phát đi thông tin khiến cả làng túc cầu phải chú ý. Tờ báo có trụ sở tại thủ đô Madrid khẳng định "Messi chưa bao giờ có khả năng rời Barcelona lớn như hôm nay". Nội dung bài báo khẳng định đại diện của đội chủ sân Camp Nou và Messi đã gặp gỡ hôm nay, nhưng không "quả bóng nào được đá vào lưới", không có thỏa thuận gia hạn hợp đồng nào được ký như kỳ vọng.

Cụ thể, tờ này viết: "Barcelona đang lâm vào tình cảnh phải giảm tải quỹ lương gấp rút, song mọi thứ đang diễn ra không như mong muốn từ đầu hè. Điều này dẫn đến việc ngay cả khi Messi đã chấp nhận giảm 50% lương, Barcelona dường như cũng khó lòng đạt được mục tiêu giải tải ngân sách song song với tham vọng duy trì một đội hình vẫn đủ cạnh tranh."

23h30 cùng ngày, đến lượt đài phát thanh RAC1 phát đi thông tin tương tự. RAC1 khẳng định Messi đã thông báo với phía Barcelona vào ngày hôm trước rằng anh sẽ không ký vào bản hợp đồng mới. Anh không cảm thấy tương lai, dự án và tình hình kinh tế của CLB thật sự khả quan và rõ ràng.

Hàng loạt các nguồn tin khác sau đó vào cuộc. Hầu hết đều nói quá trình đàm phán gia hạn giữa Barca và Messi tưởng sẽ được kết lại trong ngày bằng một thông báo chính thức khiến tất cả đều vui vẻ, nhưng nó đang gặp khúc mắc và các bên đang tìm hướng giải quyết.

Người hâm mộ Barca bắt đầu lo lắng, đợi chờ từng thông tin mới nhất được cập nhật.

Đến 0h51 ngày 6 tháng 8, Barca ra thông báo chính thức trên mọi nền tảng truyền thông của họ. Việc truy cập vào website của CLB xứ Catalonia gặp khó khăn bởi sự quá tải, nhưng từ dòng tít được đưa ra, một sự thật chấn động được phơi bày. "Leo Messi sẽ không còn tiếp tục gắn bó với Barcelona," thông báo ghi rõ.

Nội dung thông báo của Barca cũng hết sức ngắn gọn: "Dù CLB và Messi đã đạt được thỏa thuận và ý định rõ ràng của các bên là ký hợp đồng mới vào hôm nay, song điều này đã không thể diễn ra vì những trở ngại về mặt tài chính và cấu trúc lương (theo quy định của La Liga).

Do đó, Messi sẽ không tiếp tục ở lại Barcelona. Đôi bên lấy làm tiếc nuối sâu sắc khi nguyện vọng của Messi lẫn CLB cuối cùng không thể đạt được.

Barcelona bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Messi vì những đóng góp lớn lao của anh trong sự phát triển của CLB, cũng như chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến Messi trong tương lai, ở cả sự nghiệp lẫn cuộc sống."

Tiếp nối sau đó là những video clip, bài viết tri ân, điểm lại sự nghiệp huy hoàng của ngôi sao người Argentina được đăng tải trên trang chủ và các tài khoản mạng xã hội của Barcelona. Vào 11h hôm nay (tức 16h Hà Nội) Chủ tịch Joan Laporta của Barca sẽ tổ chức họp báo.

Barca và Messi không đạt được thỏa thuận
 
 

Vì sao Messi không thể được gia hạn?

Sau một năm kể từ ngày Messi tuyên bố muốn ra đi, 5 tháng kể từ thời điểm Laporta đắc cử chức Chủ tịch, và 5 tuần sau thời điểm hợp đồng cũ giữa Messi và đội chủ sân Camp Nou chính thức hết hạn, ngôi sao người Argentina trở thành cầu thủ chuyển nhượng tự do.

Từ đầu hè 2021, phía Barca luôn tự tin rằng họ sẽ đạt được thỏa thuận gia hạn hợp đồng với ngôi sao số một của mình. Chủ tịch Laporta nhiều lần khẳng định sự lạc quan đó. Báo giới Tây Ban Nha cũng cam đoan phía Messi đã gật đầu với đề nghị mới, sẵn sàng chấp nhận giảm 50% lương, tức là chỉ còn nhận mức lương 20 triệu euro mỗi mùa.

Laporta từ thời điểm bắt đầu chiến dịch tranh cử chức Chủ tịch CLB cho đến khi chính thức tiếp quản vị trí này, đều lấy mục tiêu gia hạn hợp đồng với Messi làm trọng tâm và nhiệm vụ.

Đầu tuần này, sau kỳ Copa America thành công cùng màu áo Argentina và một kỳ nghỉ xả hơi, Messi trở lại Barcelona. Tất cả tin rằng anh trở lại để chuẩn bị ký vào bản hợp đồng mới, tiến hành tập luyện trước thềm mùa giải mới. Cho đến khi thông báo đêm qua khiến tất cả việt vị.

Dù vẫn có những nguồn tin cho rằng Messi là phía từ chối đặt bút ký vào bản hợp đồng mới, nhưng những thông tin lấn át còn lại đều khẳng định vấn đề nằm ở việc Barca không thể đáp ứng được những yêu cầu về quy định ngân sách tài chính mà La Liga đặt ra.

Barca đang gánh khoản nợ khoảng 1,3 tỷ euro. Trong suốt kỳ chuyển nhượng hè 2021, họ chỉ có thể mang về những tân binh dưới dạng chuyển nhượng tự do (hoặc đã có thỏa thuận từ năm tài khóa trước), tức là chỉ tốn tiền lương mà không tốn phí chuyển nhượng. Mức giảm lương 50% của Messi cũng được xem là đạt được.

Năm 2013, La Liga thành lập một phòng ban chuyên trách kiểm soát kinh tế - tài chính của giải đấu. Ở đó, các chuyên gia xem xét và thẩm định nền tài chính của từng CLB ở La Liga và giải hạng hai Segunda Division. Những quy định nghiêm ngặt về hạn mức chi tiêu được La Liga đặt ra, dưới sự gật đầu của 42 CLB chuyên nghiệp tại Tây Ban Nha.

Thông qua một ứng dụng có tên "La Liga Manager", các CLB lẫn La Liga có thể biết rõ liệu việc đăng ký một tân binh vào đội hình cho mùa giải có được phép hay không, nói cách khác là những chi phí dành cho tân binh đó có nằm trong hạn mức chi tiêu của CLB hay không.

Có thể nói, La Liga tự đặt ra một "Luật Công bằng Tài chính" của riêng họ. Khác với Luật Công bằng Tài chính (FFP) của UEFA, quy định của La Liga mang tính chất dự toán về ngân sách sử dụng của đội bóng trong mùa giải mới (quỹ lương sẽ là mức doanh thu ước đoán đạt được trừ đi chi phí phát sinh) thay vì lần về quá khứ.

Đấy là cơ chế mà Chủ tịch Javier Tebas của La Liga luôn lấy làm tự hào, bởi nó hướng tới việc đảm bảo trả lương và giải quyết các khoản nợ của CLB, giúp các CLB tránh rơi vào tình trạng khánh kiệt như những thập niên cũ. Vì lẽ ấy, Tebas đã nhất quyết tuyên bố sẽ không có bất kỳ ngoại lệ hay "du di" nào với trường hợp của Barca thời gian qua.

Chủ tịch Tebas nổi tiếng là người cứng rắn, và không chấp nhận khoan nhượng với bất cứ thế lực nào làm ảnh hưởng đến chính sách của La Liga.

Tebas từng phát biểu rằng ông hy vọng Messi sẽ tiếp tục ở lại La Liga, nhưng sẽ không làm "mềm dẻo" các quy định của giải đấu vì một cá nhân bất kỳ. Vấn đề gia hạn với Messi, tự thân Barca phải giải quyết, bằng việc giải phóng bớt quỹ lương của CLB thông qua thanh lý hoặc chuyển nhượng các cầu thủ sẵn có trong đội hình.

Giữa tháng 6/2021, La Liga thông qua một quy định tạm thời, áp dụng cho mùa giải 2021-2022, liên quan đến hạn mức chi tiêu đối với những CLB có quỹ lương vượt mức cho phép ở mùa giải 2020-2021. Mùa trước, 35 trên tổng số 42 CLB ở Tây Ban Nha có quỹ lương vượt mức cho phép, gồm Barca. Cụ thể, chủ sân Camp Nou có quỹ lương cao hơn 110% so với mức cho phép. Vậy nên, theo quy định tạm thời được ban bố, chỉ 25% số tiền sau thuế thu về từ việc chuyển nhượng cầu thủ của các CLB này được dùng vào việc chi tiêu cho các tân binh, 75% còn lại phải được dùng cho việc trả nợ. Giả sử trong trường hợp Barca bán được một cầu thủ X và thu về được 40 triệu euro sau thuế, chỉ 25% số tiền trong số này, tức là 10 triệu euro được CLB tái đầu tư vào những tân binh (gồm việc trả phí chuyển nhượng lẫn trả lương).

Trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục để lại những ảnh hưởng nặng nề cho các CLB La Liga, quy định tạm thời áp dụng cho mùa giải 2021-2022 của La Liga trở thành một rào cản, nhất là với Barca. Ngay cả khi Messi đã chấp nhận giảm một nửa lương so với trước và đã chuyển nhượng không ít cầu thủ trong mùa hè này, nhất là những cầu thủ trẻ, gồm Junior Firpo (sang Leeds Utd), Jean-Clair Todibo (sang Nice), Konrad de la Fuente (sang Marseille), Francisco Trincao (sao Wolverhampton) và Carles Alena (sang Getafe), Barca vẫn không thể đạt mức ngân sách như quy định của La Liga.

Dù con số chính xác chỉ được công bố khi mùa mới bắt đầu, nhưng truyền thông Tây Ban Nha đều tin rằng Barca phải giải phóng được khoảng 200 triệu euro từ việc chuyển nhượng và cắt giảm quỹ lương. Barca gặp khó trong việc tiếp tục giảm lương các cầu thủ nhận mức đãi ngộ lớn tại CLB vào hiện thời, cũng như chưa thể chuyển nhượng họ vì nhiều lý do.

Barca đặt ra hạn chót cho việc thuyết phục các cầu thủ giảm lương là vào ngày 13/8. Đó cũng là thời điểm La Liga chốt danh sách đăng ký đội hình của các đội cho mùa mới. Nếu không đáp ứng hạn mức theo quy định từ giải đấu, nghĩa là Barcelona không thể đăng ký mới bất kỳ tân binh nào đã chiêu mộ hè này, gồm cả "tân binh" Messi.

Nếu đến hết ngày 31/8, những tân binh vẫn chưa được thi đấu ở La Liga, họ cũng sẽ không được đăng ký vào đội hình tham dự Champions League của Barca, dựa trên quy định từ UEFA.

Do đó, có thể hiểu vì sao trong thông báo về việc chia tay Messi, Barca đặc biệt nhấn mạnh đến "tài chính và cấu trúc lương theo quy định của La Liga". Nguyên nhân nằm ở La Liga, chứ không phải Barcelona hay Messi, đấy là dụng ý của thông báo.

"La Liga sẽ còn là gì nếu không còn cả Ronaldo lẫn Messi" là một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này.

Những biến động tại La Liga

Trong vài ngày qua, một động thái quan trọng tại Tây Ban Nha là việc La Liga thông báo về thỏa thuận đạt được với quỹ đầu tư có tên CVC Partners. Quỹ này sẵn sàng bơm 2,7 tỷ euro vào giải đấu, 90% số tiền này sẽ chảy thẳng vào túi 42 CLB chuyên nghiệp ở La Liga lẫn giải hạng hai Segunda Division. Chẳng phải thỏa thuận này là phao cứu sinh cho các đội bóng như Barca hay sao? Nhưng thực tế, có những vấn đề xoay quanh thỏa thuận này.

Trước tiên, thông báo chính thức của La Liga về thỏa thuận kể trên không nêu rõ cách phân chia số tiền 2,7 tỷ euro đó, cũng như mục đích sử dụng số tiền được phân chia cụ thể cho các hạng mục nào ở từng CLB.

Nhưng theo truyền thông Tây Ban Nha, Barca sẽ nhận được 280 triệu euro trong 3 năm. Vấn đề còn nằm ở chỗ chỉ 15% số tiền nhận về của mỗi CLB được sử dụng cho mục đích chuyển nhượng hay trả lương, khoản còn lại được dùng cho các hạng mục khác, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, marketing hay phát triển thương hiệu. Con số 15% ấy nếu quy đổi sẽ là 42 triệu euro trong vòng ba năm. Vẫn là quá ít ỏi để Barca giải quyết vấn đề về ngân sách của họ theo quy định từ La Liga.

Chưa hết, có đi phải có lại. CVC Partners không "cho không" La Liga 2,7 tỷ euro đó. Họ là một nhà đầu tư. Vậy nên, La Liga sẽ thành lập một công ty mới, công ty này bao gồm mọi hoạt động kinh doanh của giải đấu, tức là gồm cả các khoản thu từ bản quyền truyền hình – vốn là nguồn thu nhập chính của mỗi giải đấu. CVC sẽ nắm giữ 10% cổ phần của công ty đó, với thời hạn 50 năm. Nói cách khác, La Liga cắt đi 10% các hoạt động kinh doanh của họ cho CVC trong vòng nửa thế kỷ.

Ai đó có thể tin rằng Barca đang rất cần tiền, nhưng chính họ và Real là hai CLB đầu tiên phản đối thỏa thuận nói trên. "Một miếng bánh mì cho hôm nay, nhưng sẽ là đói khát của ngày mai" được cho là phản ứng của Barca với thỏa thuận giữa La Liga và CVC. Hai ông lớn của Tây Ban Nha ngay nửa đêm hôm qua cũng lần lượt đưa ra thông báo chính thức không ủng hộ thỏa thuận.

Một vấn đề nữa cũng được đặt ra xoay quanh thỏa thuận giữa La Liga và CVC: Bất kỳ quyết sách lớn nào đều phải được 42 CLB chuyên nghiệp tại Tây Ban Nha bỏ phiếu thông qua. Vậy tại sao Barca và Real chưa gì đã phản ứng, trong khi họ có thể chờ đợi kết quả cuộc bỏ phiếu? Số phiếu thuận để một quyết sách được thông qua là hai phần ba của 42 CLB.

Theo một số nguồn tin, đến nay 14 CLB được cho là sẽ đồng ý, hai CLB đã phản đối (là Barca và Real), vẫn còn 26 CLB còn lại. Nếu có thêm ít nhất 13 CLB cũng phản đối, thỏa thuận bị hủy bỏ. Nếu có 14 CLB gật đầu, thỏa thuận được thông qua. Viễn cảnh rõ ràng rất 50-50 và Barca hay Real "đánh hơi" thấy khả năng thỏa thuận được thông qua là rất lớn.

Thuyết âm mưu

Liệu có còn một cuộc "lật kèo" nào nữa xoay quanh câu chuyện Barcelona-Messi? Với những gì đã diễn ra trong một năm qua, không thể loại trừ.

Những diễn biến trong đêm 5/8 và rạng sáng 6/8 rất chóng vánh. Mọi thứ đổ vỡ nhanh chóng ngay sau những tin tức rò rỉ ra giới truyền thông, và được kết lại bằng một thông báo gồm ba đoạn ngắn gọn của Barca.

Câu chuyện Messi là một vấn đề hệ trọng với Barca, và cả La Liga. Joan Laporta và bộ sậu của ông ngay từ chiến dịch tranh cử cho đến sau này khi tiếp quản ghế lãnh đạo CLB luôn xem Messi là trọng tâm. Mọi thứ có thể lúc này lúc khác, nhưng Barca gần như không thể mất Messi, ít nhất là cho đến khi anh thật sự sang một nơi chốn không phải châu Âu để dưỡng già. Barca-Messi trở thành một thực thể không tách rời với tầm ảnh hưởng sâu rộng, vào mọi ngóc ngách. Nếu là câu chuyện về tài chính theo quy định của La Liga như Barca thông báo, CLB vẫn chấp nhận hy sinh Messi nhanh gọn đến thế?

Thông qua những diễn biến những ngày nay, nhất là các chủ đề về Super League và thỏa thuận mới đây giữa La Liga với quỹ đầu tư CVC, liệu có giả thuyết rằng Barca đang muốn "chơi sát ván" với La Liga, với Javier Tebas. Và việc ra thông báo rằng Messi không gia hạn, không gắn bó tiếp cùng CLB của Barca có thể là một động thái khẳng định với La Liga không? Mất đi Messi thì không chỉ Barca, mà chính La Liga sẽ gặp vấn đề, khi mà giá trị giải đấu chắc chắn sẽ giảm sút nghiêm trọng. Mất Messi vào tay một CLB khác, một giải đấu khác sẽ là thách thức cho giá trị của cả La Liga, không đơn thuần Barca. La Liga đã mất đi Cristiano Ronaldo, giờ chỉ còn lại mỗi Messi để thật sự cứu rỗi trong ít ỏi vài năm nữa. Có bao nhiêu triệu người theo dõi Barca, La Liga và các tài khoản mạng xã hội của những thực thể này là vì họ thần tượng Messi?

CĐV đứng trước trụ sở CLB sau khi hay tin Barca không đạt được thỏa thuận về hợp đồng mới với Messi. Ảnh: AFP.

Trong thông báo phản đối thỏa thuận giữa La Liga và CVC của Real vào đêm qua, CLB Hoàng gia Tây Ban Nha đề cập đến việc các CLB không được biết, không được tham gia quá trình thương thảo và chỉ được tiếp cận giới hạn các điều khoản trong thỏa thuận. Phải chăng có những sự ràng buộc nào đó trong hợp đồng này mà cả Real và Barca lo ngại? Chẳng hạn, một thỏa thuận buộc hai CLB không được tiếp tục dính dáng đến Super League? Bởi đến nay, đây vẫn là hai CLB (cùng Juventus) theo đuổi dự án này đến cùng. Và còn bởi ngay từ đầu,Tebas đã luôn chỉ trích và phản đối dự án và nhân vật này vốn dĩ xưa nay không được lòng các CLB lớn ở Tây Ban Nha.

Liệu Tebas có sử dụng quân bài CVC kia để gây sức ép lên các CLB như Real, Barca rằng họ phải lựa chọn? Tebas biết rõ Barca cần Messi, nhưng chưa thể đáp ứng ngân sách tài chính theo quy định La Liga và vì lẽ đó ông muốn gây sức ép lên ban lãnh đạo Laporta?

Trong bối cảnh đó, có thể không nếu Laporta quyết định đáp trả bằng động thái tất tay và mạo hiểm cuối cùng: Dùng quân bài Messi? Đó ắt không phải là quyết định dễ dàng từ bỏ hay buông xuôi, mà thật ra là nỗ lực cuối cùng của Barca, đành rằng họ đang mang cả huyền thoại của mình lẫn người hâm mộ và cả thế giới ra để đánh lừa?

Không những thế, đến nay, mới chỉ có Carles Puyol cùng Cesc Fabregas là thật sự đăng đàn trên mạng xã hội nói lời chia tay Messi. Chưa một cầu thủ nào của Barca hiện tại làm hành động tương tự. Đài phát thanh RAC1 của Tây Ban Nha còn nói rằng mọi chuyện chưa ngã ngũ, ngay cả khi Barca đã ra thông báo.

Và ngay cả khi Messi chính thức chia tay Barca, anh vẫn đã là cầu thủ chuyển nhượng tự do từ cách đây một thời gian. Việc Barca về sau lại "chiêu mộ" Messi không phải là điều không thể và không có khả năng. Nhưng liệu Tebas và La Liga có chịu nhún nhường, sửa đổi các quy định của cả giải đấu vì một cầu thủ?

Trong quá khứ, từng có một trường hợp gần giống với câu chuyện Barca-Messi. Đó là vào năm 2014, tiền vệ của Getafe, Pedro Leon đưa La Liga ra tòa khi anh không được đăng ký vào đội hình cho mùa giải, vì CLB chủ quản không đáp ứng được quỹ lương theo quy định từ giải đấu. Sau bốn tháng, tòa án đưa ra phán quyết đầu tiên cho phép Leon được thi đấu trở lại và phải đến tháng 11 năm đó, anh mới ra sân lần đầu trong mùa giải. Song, tòa án về sau lại đưa ra phán quyết có lợi cho La Liga. Có thể thấy, tiền lệ không ủng hộ Barca và Messi nếu như họ muốn đưa vụ việc này lên tòa.

Hạ hồi phân giải, hay mọi thứ đã xong và Messi cùng Barca đã trở thành hai thực thể tách rời? Chưa thể quả quyết 100% lúc này. Chỉ biết rằng, Messi hiện tại đúng là đã rời xa Barca và rất nhiều người hâm mộ bóng đá chưa thể hoàn toàn tiếp nhận thông tin này.

Hoàng Thông tổng hợp