![]() |
Một quả bom chưa phát nổ. |
Bốn phía của đồi Máu đều thấy bom, những quả bom to cỡ bắp chân mốc thếch, xám ngoét nằm lăn lóc trên mặt đất. Anh Bùi Hữu Cư, nhân viên tổ bảo vệ rừng, Phân trường Bắc (Lâm trường Đường 9, Quảng Trị), cho biết: "Sau vài trận mưa là tụi bom này ngoi lên ầm ầm, như cá rô rạch nước". Vỏ bom mỏng như lưỡi dao lam, chỉ chạm nhẹ là nổ. Nếu không bị thương vì mảnh bom thì chỉ nguyên chất phốtpho dính vào người cũng đủ phải vào nằm viện.
Mấy năm trước, những người đi thu mua phế liệu cũng đến bãi bom này thu gom, ban đầu thấy bom nổ, xì khói và lửa xanh, mọi người hò nhau xách nước dập, nhưng hậu quả đều bị tàn lửa bay vào gây bỏng. Thấy nguy hiểm như vậy nên các chủ thu mua phế liệu chạy xa để bảo toàn tính mạng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không hiểu biết về bom napan, cho rằng loại bom này không gây sát thương nên vẫn ham lấy về bán sắt vụn. Một nông dân ở xã Cam Tuyền lấy được một số thỏi sắt, buộc vào sau yên xe, chở về thị trấn. Qua chỗ đường xóc, nghe sau lưng có tiếng xịt nhỏ, anh quay lại thất kinh bởi các "thỏi sắt" đang cháy nghi ngút. Vứt xe xuống đường, cả thủ phạm cùng những người đi đường cuống cuồng tháo chạy. Khi đám cháy đã tắt, người ta lò dò quay trở lại hiện trường thì chiếc xe đạp chỉ còn là những khung sắt cháy đen, cong queo và nồng nặc mùi diêm sinh.
Những quả bom napan cũng là thủ phạm gây ra các vụ cháy rừng ở Lâm trường đường 9. Giám đốc lâm trường Lê Lữ cho biết: "Mùa khô nào anh em chúng tôi cũng khốn khổ vì chúng, gần 3.000 ha rừng thông, keo lá tràm đợi khai thác bị đe dọa hàng ngày". Theo thống kê, mỗi năm xảy ra 7-8 vụ cháy rừng có nguyên nhân từ bom napan, riêng năm 2002 xảy ra 7 vụ làm thiệt hại hàng chục ha rừng trồng. Mới đây nhất, ngày 20/5, lâm trường đã gửi công văn đề nghị UBND huyện Cam Lộ can thiệp, cho các cơ quan chức năng đi khảo sát thực tế để thu gom và phá huỷ 22 quả chưa nổ nằm kề nhau trên mặt đất, nhưng đến nay chưa có hồi âm.
Theo các chuyên viên ở Bộ Tư lệnh Hoá học và Viện Bỏng quốc gia, có một số loại vũ khí gây cháy mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam như: bom napan (Supernapalm), bom cháy các loại (electron) có chất magnesium, bom đạn có chất lân trắng, mìn cháy... Khi cháy có màu lửa xanh, diêm sinh khét, khi tắt khói trắng vàng vẫn bốc lên. Chất lân tinh trắng rất độc, nếu không xử lý sớm thì chất phosphatid và chất lân trắng còn lại sẽ ngấm vào vết thương, máu và gây nhiễm độc toàn thân. Đặc biệt, chất napan còn ảnh hưởng đến cả sinh thái, môi trường...
Trước đây, để thu dọn bãi bom, Lâm trường Đường 9 đã mạnh dạn chi tiền để dân "giải quyết" với giá thu mua 5.000-10.000 đồng/quả. Tuy nhiên do giá rẻ, lại nguy hiểm nên chiến dịch bị phá sản. Còn bây giờ, số bom napan lộ thiên đang ngày một nhiều hơn vì những người rà sắt vụn không dám thu nhặt, chôn lấp như trước mà cứ phát hiện thấy là vứt đó, bỏ chạy. Điều này đồng nghĩa với việc rừng có thể bùng cháy bất cứ lúc nào, thiêu rụi những khoảng xanh hiếm hoi đang chật vật hồi sinh suốt 28 năm qua.
(Theo Lao Động)