![]() |
Bom MOP được chế tạo với mục đích xuyên phá các boongke ở sâu dưới lòng đất. Trong hình là một phần của một quả bom MOP. Ảnh: AP |
"Loại bom này không nhằm vào bất cứ nước nào. Nó được chế tạo để phát triển một khả năng mà chúng tôi tin là cần thiết", Fox News dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói trong một cuộc họp báo.
Theo ông Kirby, loại bom siêu xuyên phá (MOP) mang lại cho quân đội Mỹ khả năng tốt hơn trong việc tiếp cận và phá hủy các vũ khí hủy diệt hàng loạt của đối phương, đặc biệt là những vũ khí được đặt trong các cơ sở ngầm được bảo vệ chặt chẽ dưới mặt đất. Sức công phá của loại bom này vượt xa những quả bom phá boongke mà quân đội Mỹ hiện có.
Loại bom MOP nặng gần 14 tấn và dài hơn 6 m này là một sản phẩm của hãng Boeing. Nó được trang bị hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) và có thể được đưa lên các máy bay ném bom B-2 hoặc B-3. Bom MOP mang theo lượng chất nổ lên tới 2,5 tấn, giúp nó có khả năng xuyên phá tới một mục tiêu ở sâu dưới lòng đất hơn 60 m.
![]() |
Hình vẽ cho thấy một quả bom MOP đang nhắm tới mục tiêu. Đồ họa: Marinecorpstimes |
Lầu Năm Góc đã đặt hàng 20 quả bom MOP từ Boeing và nhận một số trong mùa thu này, CNN đưa tin. Giới chức quốc phòng Mỹ hiện giữ kín việc đang có bao nhiêu quả bom MOP trong tay do lo ngại các vấn đề an ninh.
Việc quân đội Mỹ nhận các quả bom MOP được loan báo không lâu sau khi các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra báo cáo khẳng định Iran đang nghiên cứu vũ khí hạt nhân. Sự kiện này kéo theo những phản ứng khác nhau từ nhiều nước trên thế giới, và làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng giữa Israel và Iran, hai nước vốn ở trong tình trạng đối đầu.
Các nhà phân tích tình báo từ lâu đã nghi nghờ rằng quốc gia Hồi giáo đang tiến hành làm giàu uranium tớ mức có thể tạo ra vũ khí hạt nhân tại các cơ sở ngầm ở phía nam thủ đô Tehran. Tuy nhiên, Iran luôn bác bỏ điều này và khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là nhằm mục đích hòa bình.
Nhật Nam