"Tôi lắp điều hòa được hơn hai năm, nay vào mùa nóng nhưng làm mát chậm hơn trước. Thợ bảo do hao hụt gas, chỉ cần bơm thêm với giá 500.000 đồng cả công là khắc phục được", độc giả Ngọc Anh gửi thắc mắc đến VnExpress.
Sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia và các bình luận của độc giả, cô nhờ một người bạn gọi thợ quen đến kiểm tra. Người thợ cho biết chỉ cần vệ sinh lưới lọc do có nhiều bụi bám và ống thoát nước bị nghẽn. Điều hòa nhà cô hiện đã hoạt động bình thường, tốc độ làm lạnh không khác biệt so với khi mới mua.
Trong hàng chục bình luận dưới câu hỏi của Ngọc Anh, nhiều người phản ánh cũng từng gặp tình huống tương tự. "Điều hòa nhà tôi cũng vậy, thợ xem qua bảo hết gas, mất 1,5 triệu bảo dưỡng, bơm bù. Tôi không đồng ý, lấy vòi xịt kỹ cục nóng, rửa bụi, máy mát lại bình thường", độc giả Lethaiton1982 nêu.
Anh Lê Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từng là nạn nhân của chiêu "moi tiền" bơm gas điều hòa. "Thợ nói do quá trình sử dụng hao hụt, phải kiểm tra, bơm gas lại hàng năm. Tôi không biết nên hai năm liền đều gọi thợ đó với chi phí gần một triệu đồng mỗi lần, tới khi gặp một người bạn làm về điện lạnh cảnh báo mới tá hỏa", anh kể.
"Nếu lắp đặt đúng quy cách, không hỏng hóc, gas điều hòa không thể bị hao hụt trong quá trình sử dụng", Nguyễn Lê Minh, chuyên gia về đồ điện gia dụng, khẳng định. "Nếu hết gas, lượng gas không đủ, thường là do thợ đã lắp đặt sai ngay từ đầu hoặc quá trình sử dụng bị hỏng đường ống dẫn, xì gas và cần khắc phục trước khi bơm trở lại".
Theo chuyên gia này, quá trình gas bay hơi và ngưng tụ để tạo không khí mát là tuần hoàn, khép kín. Vì vậy, nếu thợ nói cần bơm định kỳ để khắc phục vấn đề là không chính xác. Nếu thực sự bị hao hụt, cần xác định nguyên nhân cụ thể như xì đầu tán, rò rỉ ở dàn nóng, dàn lạnh hay trên đường ống đồng. Nếu không sửa chữa, việc chỉ bơm gas trở nên vô nghĩa.
"Cơ chế của điều hòa giống tủ lạnh, nhưng điều hòa hay gặp trường hợp rò gas hơn do phần lắp ống đồng do thợ thực hiện thay vì hãng lắp đặt theo quy chuẩn ban đầu. Tay nghề thợ và chất lượng ống đồng khó kiểm soát là lý do điều hòa thường gặp lỗi xì gas nhiều hơn", anh phân tích.
Lê Sơn, chủ cửa hàng chuyên sửa chữa máy điều hòa ở Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết tình trạng thợ lấy lý do hết gas để móc túi người dùng đã diễn ra nhiều năm. "Những năm gần đây, chiêu thức này tinh vi hơn khi một số thợ bịa ra lý do hỏng hóc, lấy thêm tiền sửa chữa ống đồng rồi mới bơm gas", anh Sơn nói và cho rằng với chiêu thức như vậy, ngay cả những người biết về tình trạng này vẫn có thể bị lừa.
Khi gặp tình trạng điều hòa không mát, người dùng trước hết cần tự vệ sinh máy, đặc biệt là tấm lọc bụi và ở cả dàn nóng lẫn dàn lạnh. "Nếu không thể tự làm, hãy gọi dịch vụ chính hãng hoặc các nơi có cửa hàng cụ thể để hạn chế tình trạng lừa đảo", anh Sơn nói và cho rằng người dùng nên thận trọng khi tự tra số các dịch vụ sửa chữa trên mạng.
Hiện một số thương hiệu điều hòa, dịch vụ chuyên nghiệp cung cấp gói vệ sinh điều hòa định kỳ với chi phí khoảng 400.000 đồng cho mỗi máy. "Sử dụng lâu dài, chỉ cần vệ sinh thường xuyên là đủ. Trong 5 năm đầu sử dụng, rất hiếm khi điều hòa tự xảy ra các lỗi mất gas nếu được lắp đặt cẩn thận", anh Sơn khẳng định.