Đang quay cuồng trong sự cố pin của "giấc mơ bay" 787 Dreamliner, hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing vẫn đoạt lại ngôi vị số một thế giới từ tay đối thủ châu Âu Airbus, lần đầu tiên sau 10 năm.
Theo Airbus, số máy bay giao cho khách hàng của hãng đã tăng 10% lên mức kỷ lục 588 chiếc trong năm 2012. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đuổi kịp được Boeing - 601 chiếc, cao nhất kể từ năm 1999. Boeing cũng khẳng định vị trí số một về lượng đơn đặt hàng với 1.203, cao hơn nhiều so với 833 của đối thủ.
Tuy nhiên, việc 787 Dreamliner bị cấm bay có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng của Boeing. Đặc biệt nếu Mỹ điều tra ra sự cố pin của hãng là do thiết kế vật liệu carbon-composite siêu nhẹ.
Boeing 787 Dreamliner có thể ảnh hưởng nặng đến triển vọng của Boeing. Ảnh: The Verge |
Loại pin mà Dreamliner sử dụng được làm bởi công ty Nhật Bản GS Yuasa. Đây cũng là lần đầu tiên pin này được dùng trong máy bay thương mại. Chúng giúp tiết kiệm năng lượng, nhẹ và chắc, nhưng lại tỏa ra rất nhiều nhiệt. Boeing đã cử một nhóm chuyên gia làm việc với cơ quan điều tra của Mỹ tại Washington.
Airbus sẽ phải theo dõi sát sao việc điều tra này. Nhất là khi câu trả lời của họ với dòng Boeing 787 là A350 sẽ có chuyến bay thử đầu tiên vào cuối tháng 6 - đầu tháng 7 tới, trước khi giao cho khách hàng đầu năm 2014. A350 cũng sử dụng pin lithium-ion như Boeing, nhưng của một nhà sản xuất khác.
Các chuyên gia cho rằng Boeing sẽ phải hành động thật nhanh để gỡ gạc lại lòng tin của khách hàng. Tuy nhiên, việc này cũng khiến các hàng máy bay khác e dè trong việc sử dụng công nghệ mới được kiểm chứng.
Airbus hiện cũng gặp rất nhiều rắc rối. Dòng A350 đã bị lùi thời gian ra mắt tới gần một năm, và "lâu đài bay" A380 cũng điêu đứng vì sự cố nứt cánh hồi đầu năm 2012. Máy bay thương mại lớn nhất thế giới của Airbus chỉ nhận được 9 đơn hàng trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 30. Số lượng A380 được sản xuất năm nay sẽ rất thấp để chờ sửa chữa.
CEO của Airbus Fabrice Bregier cho biết tuy bị ảnh hưởng nặng vì A380, nhưng họ đã tìm ra nguyên nhân của vấn đề, đã khắc phục và thử nghiệm. Vì vậy, ông tin rằng việc này sẽ không còn là rào cản với Airbus trong thời gian tới.
Cùng nhiều hãng máy bay châu Âu khác, Đức và Pháp đã thành lập Airbus năm 1970 để thay thế các nhà sản xuất Mỹ, đáp ứng nhu cầu di chuyển khoảng cách ngắn giữa các thủ đô trong khu vực. Thành công đầu tiên của Airbus là dòng máy bay A320, ra mắt năm 1988. Đây là loại máy bay thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ điều khiển bằng hệ thống bảng điện tử.
Thùy Linh (theo CNN)