Triển lãm Hàng không Paris khai mạc hôm nay là cơ hội để thế giới đánh giá về sức khỏe ngành công nghiệp máy bay thương mại quy mô 150 tỷ USD mỗi năm. Nhiều nhà phân tích cho rằng ngành này đang giảm tốc, do hàng loạt áp lực trên toàn cầu, từ căng thẳng thương mại đến sự yếu đi của các nền kinh tế
Hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) vẫn đang chật vật sau hai tai nạn chết người của 737 MAX. Họ muốn trấn an khách hàng và nhà cung cấp về tương lai của dòng máy bay này, cũng như xoa dịu những chỉ trích về cách xử lý cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều tháng qua.
"Đây là thời khắc quyết định với Boeing. Nó khiến chúng tôi phải dừng lại. Chúng tôi luôn suy nghĩ kỹ càng và sẵn sàng học hỏi", CEO Boeing Dennis Muilenburg hôm qua cho biết.
Phiên bản mới nhất của dòng máy bay bán chạy hàng đầu thế giới bị cấm bay vì lo ngại an ninh đã khiến nhiều nhà cung cấp cho Boeing lo lắng. Các lãnh đạo ngành hàng không thế giới cũng e ngại việc này ảnh hưởng lên tâm lý hành khách, có nguy cơ gây chia rẽ giới chức các nước và làm giảm chất lượng hệ thống chứng nhận máy bay. Các hãng bay đổ xô mua MAX cũng bị giảm lợi nhuận, do phải hủy hàng nghìn chuyến sau lệnh cấm bay hồi tháng 3.
Giới phân tích cho rằng kể cả kế hoạch ra mắt A321XLR - phiên bản đường dài của A320neo rất thành công cũng không thể cải thiện tình hình cho ngành này. Airbus đang kỳ vọng giành được 200 đơn hàng với A321LXR.
"Cuộc khủng hoảng của MAX không phải thách thức lớn nhất, vì nó có thể giải quyết được. Lưu lượng hành khách mới là điều thực sự đáng sợ", Richard Aboulafia - nhà phân tích tại Teal Group cho biết, "Chúng ta nên nhìn rộng ra, phân tích nhu cầu trong ngành và các vấn đề về năng lực chuyên chở. Số đơn hàng ròng năm nay có thể sẽ thấp nhất trong nhiều năm".
Căng thẳng địa chính trị cũng được các hãng vũ khí quan tâm tại triển lãm lần này. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công hai tàu chở dầu cuối tuần trước trên vịnh Oman. Hồi đầu tháng 4, Mỹ tuyên bố dừng toàn bộ việc bàn giao thiết bị phụ tùng tiêm kích F-35 cùng hoạt động liên quan cho Thổ Nhĩ Kỳ sau việc nước này mua hệ thống radar của Nga.
Trung Quốc cũng đang theo dõi sát triển lãm lần này. Tham vọng hàng không của họ đang ngày càng tăng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. Cuối tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản.
Dù vậy, nhiều người không cho rằng triển vọng ngành hàng không toàn cầu đang đi xuống, do nhu cầu từ tầng lớp trung lưu châu Á đang tăng và các hãng bay cũng phải mua phi cơ mới để đáp ứng yêu cầu về môi trường. "Giải pháp duy nhất mà ngành này hiện có là các máy bay tiết kiệm nhiên liệu thế hệ mới nhất", John Plueger - CEO Air Lease Corp cho biết, "Rất nhiều hãng bay vẫn đang muốn mua thêm".
Boeing đã hoãn quyết định ra mắt một máy bay cỡ trung mới, để tập trung cho 737 MAX và 777X sắp tới. Dù vậy, họ có thể vẫn giành được nhiều hợp đồng với dòng máy bay thân rộng vốn có lợi thế hơn so với Airbus. Trong đó có ít nhất 12 chiếc 787 cho Korean Air Lines và một số đơn hàng 777 chở hàng. Airbus thì được kỳ vọng chốt đơn hàng A330neo cho Virgin Atlantic.
Robert Stallard tại Vertical Research Partners dự báo các hãng sẽ giành được số đơn hàng khoảng 800 máy bay tại triển lãm lần này. Con số này tại Triển lãm Farnborough năm ngoái là 959 chiếc.
Hà Thu (theo Reuters)