Boeing là hãng duy nhất trong ba công ty tham gia đấu thầu đưa ra lời đề nghị nằm trong giới hạn ngân sách của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Yonhap News cho biết. Baek Youn Hyeong, đại diện Văn phòng thu mua vũ khí của Chính phủ tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng - Kim Kwan Jin sẽ gặp các quan chức vào chiều nay để ra quyết định cuối cùng.
Hai đối thủ của Boeing trong đợt đấu thầu này là hãng sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ lớn nhất thế giới - Lockheed Martin với dòng F – 35 và Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Quốc phòng châu Âu (EADS) với Eurofighter Typhoon.
Hợp đồng này sẽ đánh dấu bước ngoặt với Boeing sau khi hãng vuột gói thầu tại Ấn Độ về tay Dassault Aviation (Pháp) và ở Nhật Bản cho Lockheed Martin. Boeing đã từng cung cấp máy bay tiêm kích cho Hàn Quốc. Nước này cũng rất chuộng vũ khí Mỹ để duy trì mối quan hệ với 28.500 lính Mỹ đang giúp họ đối phó với Triều Tiên.
Yang Uk - nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: "Sự chiến thắng của Boeing sẽ là cú sốc với Lockheed Martin. Lockheed rất cần hợp đồng này để bù đắp cho ngân sách quốc phòng Mỹ đang giảm và tăng tốc cho dòng F-35".
Sự thất bại của EADS cũng sẽ là "thành tích" mới nhất của họ sau khi bị loại tại Ấn Độ, Nhật Bản và Thụy Sĩ. Hãng bán được Eurofighter Typhoon tại các quốc gia như Ảrập Xêút hay Oman chỉ do mối quan hệ giữa các Chính phủ, chứ không nhờ cạnh tranh quốc tế.
Các hợp đồng từ Ảrập Xêút và Hàn Quốc sẽ giúp Boeing duy trì sản xuất dòng F-15 qua năm 2020. Tại thời điểm đó, dòng máy bay chiến đấu của Boeing - F/A-18E/F Super Hornet có khả năng không còn được chế tạo nữa. "Đây là việc tốt với Boeing và làm tăng tiềm năng quảng bá cho dòng F-15", Bruce Lemkin - cựu nhân viên đối ngoại của Không quân Mỹ nhận xét.
Việc mua máy bay chiến đấu mới sẽ làm tăng khả năng độc lập về quân sự của Hàn Quốc, sau khi nước này lấy lại quyền điều khiển quân đội 640.000 lính từ Mỹ vào năm 2015. Quyền này đã được giao cho Mỹ từ đầu chiến tranh Triều Tiên và vẫn chưa được trả về.
Thùy Linh