Cuộc đấu "nảy lửa" giữa F-15K ... |
Vì phi cơ F-15K của Boeing đánh bại máy bay Rafale của hãng Dassault Aviation (Pháp), Hàn Quốc lo ngại sẽ có tranh cãi ngoại giao sau chuyện này. Vì vậy, Bộ Quốc phòng phải lùi thông báo quyết định cuối cùng đến tận giữa tháng 4. “Trong một cuộc họp giữa các quan chức an ninh cấp cao sáng nay, một vài bộ trưởng đã yêu cầu lùi lại việc này, với lý do Pháp có khả năng sẽ lên tiếng phản đối”, một quan chức giấu tên tiết lộ hôm thứ tư.
... và Rafale. |
Một số nhóm ở Hàn Quốc tuyên bố họ sẽ tiến hành một chiến dịch trên toàn quốc để yêu cầu chính phủ huỷ bỏ quyết định “bất công” nói trên. Trong vòng đánh giá đầu tiên của Bộ Quốc phòng, chênh lệch điểm giữa F-15K và Rafale nói chung không đáng kể. Máy bay của Mỹ thì có lợi thế là nằm trong khoảng xác suất sai sót 3%, phát ngôn viên Hwang Eui-don tuyên bố trong một cuộc họp báo.
“Bộ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau vòng đánh giá thứ hai”, ông Hwang cho biết và nói thêm là 2 loại phi cơ có số điểm thấp Eurofighter Typhoon của tập đoàn công nghiệp châu Âu và Sukhoi Su-35 của Nga đã bị loại.
Tuy nhiên, các quan chức Bộ Quốc phòng khẳng định F-15K của Boeing đã chiến thắng và sẽ được vận chuyển trong khoảng từ năm 2005 đến 2009. Nguyên nhân là liên minh an ninh bấy lâu giữa Hàn Quốc và Mỹ. Seoul từng cam kết sẽ có "những cân nhắc chính trị và chiến lược”, nếu không có một nhà sản xuất nào nổi bật trong vòng đầu tiên.
Washington là đồng minh then chốt của Seoul. Hiện có 37.000 lính Mỹ đang đóng ở Hàn Quốc. Hàng thập kỷ nay, Mỹ đã áp đảo các hợp đồng cung cấp vũ khí cho quốc gia đồng minh châu Á này. Khoảng 70% phương tiện quân sự nhập ở Hàn Quốc là do Washington cung cấp.
Dự án 3,2 tỷ USD là một trong những hợp đồng vũ khí quốc tế quan trọng nhất trong năm nay. Nó sẽ là một nguồn khích lệ lớn đối với Boeing, vừa để mất một hợp đồng cấp máy bay chiến đấu trước đối thủ là Lockheed Martin.
Chính phủ Pháp từng tỏ thái độ bất bình là Seoul có khả năng nhượng bộ trước sức ép của Mỹ và mua F-15K. Một đại tá trong không lực Hàn Quóc trước đó tuyên bố ông bị các quan chức cấp cao ép phải ủng hộ Boeing. Vị này sau đó bị bắt với tội danh nhận hối lộ từ tay một người đại lý của Dassault ở Hàn Quốc. Cảnh sát Hàn Quốc còn lục xét văn phòng đại diện của Dassault, tịch thu một số phương tiện và tài liệu. Phía Pháp đã lên tiếng phản đối về việc này.
Minh Châu (theo UPI)