Nhiệm vụ mang tên Thử nghiệm Chuyến bay có Phi hành đoàn (CFT). Nỗ lực phóng trước đó, ấn định vào tối 1/6 (giờ Hà Nội), bị hủy bỏ chỉ vài phút trước khi tên lửa cất cánh.
Tham gia chuyến bay chở người lên vũ trụ đầu tiên của tàu Starliner là hai phi hành gia NASA Butch Wilmore và Suni Williams. Sau khi lên tới quỹ đạo, Starliner sẽ tách khỏi tên lửa Atlas V và kích hoạt động cơ của chính nó. Starliner dự kiến mất khoảng 25 tiếng để lên tới trạm ISS.
21h57, tên lửa Atlas V loại bỏ bộ đẩy tên lửa rắn kép. Đến 22h01, tầng thứ nhất của Atlas V cũng tách ra, tên lửa tiếp tục đưa tàu Starliner bay lên nhờ sức mạnh của hai động cơ tầng trên. Một lớp vỏ bảo vệ và tấm che cổng ghép nối trên tàu Starliner cũng đã tách ra.
Lúc 22h12, Starliner tách thành công khỏi tầng trên của tên lửa Atlas V, một cột mốc quan trọng cho nhiệm vụ lần này.
Khoảng 30 phút sau khi phóng, Starliner đốt cháy động cơ để tiến vào quỹ đạo Trái Đất thấp ổn định. Với hoạt động này, từ vị trí dưới quỹ đạo một chút, con tàu đã lên tới độ cao cần thiết để có thể bắt kịp Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Quá trình ghép nối với trạm dự kiến bắt đầu lúc 23h15 ngày 6/6 (giờ Hà Nội).
Trong nhiệm vụ CFT, Wilmore và Williams sẽ kiểm tra các khả năng của Starliner, bao gồm hiệu suất động cơ đẩy, hiệu quả của bộ đồ vũ trụ khi hoạt động trong tàu và chế độ điều khiển bằng tay trong trường hợp phi hành đoàn cần hủy bỏ chế độ lái tự động. Họ cũng sẽ làm việc cùng 7 phi hành gia đã có mặt trên trạm ISS từ trước và ở lại khoảng 8 ngày.
Nhóm phi hành gia sẽ kiểm tra khả năng làm "nơi trú ẩn an toàn" của Starliner - cung cấp cho phi hành đoàn trên trạm một nơi trú ẩn nếu xảy ra sự cố, theo Steve Stich, giám đốc Chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA. Sau khi nhiệm vụ kết thúc, tàu Starliner sẽ đưa Williams và Wilmore trở về Trái Đất, đáp xuống một địa điểm ở tây nam nước Mỹ.
Starliner gồm một khoang chở người đường kính 4,6 m có thể tái sử dụng và một khoang thiết bị dùng một lần, được thiết kế cho các nhiệm vụ tới quỹ đạo Trái Đất thấp. Con tàu chở được tối đa 7 người và ghép nối với trạm ISS trong tối đa 7 tháng. Nó có buồng lái truyền thống với các nút và công tắc vật lý, mang đến giao diện quen thuộc cho các phi hành gia.
Pin Mặt Trời do công ty con Spectrolab của Boeing cung cấp được lắp đặt ở mặt sau khoang thiết bị, cung cấp 2,9 kW điện. Khoang thiết bị chứa 4 động cơ Rocketdyne RS-88 đốt nhiên liệu đẩy hypergolic, giúp thoát hiểm nếu xảy ra sự cố khi phóng. Starliner được thiết kế để vận chuyển tối đa 2.500 kg hàng hóa tăng áp suất và 1.500 kg hàng hóa không tăng áp suất.
CFT thể hiện những nỗ lực của Boeing nhằm phát triển phương tiện cạnh tranh với tàu chở người Crew Dragon của SpaceX, đồng thời tăng thêm các lựa chọn cho Mỹ khi vận chuyển phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) theo Chương trình Phi hành đoàn Thương mại của NASA. Đây là chương trình hướng đến thúc đẩy sự hợp tác với các đối tác tư nhân.
Nhiều năm qua, sự cố trong các chuyến bay thử nghiệm và những trục trặc gây tốn kém khác đã làm chậm hành trình đến với bệ phóng của Starliner. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của Boeing trong chương trình của NASA - SpaceX - đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ đưa đón phi hành gia từ năm 2020. Nhiệm vụ CFT có thể là cột mốc quan trọng cuối cùng trước khi NASA xác định tàu vũ trụ của Boeing đã sẵn sàng cho các hoạt động định kỳ nhằm đưa phi hành gia và hàng hóa lên trạm ISS.
Thu Thảo (Theo Space, CNN)