Tại một dự án căn hộ cao cấp do nằm ở vị trí đẹp của quận Phú Nhuận, gần trung tâm TP HCM, ngay khi có thông tin bán căn hộ, rất nhiều khách hàng quan tâm. Giá gốc mỗi căn 1,4-2,2 tỷ đồng (diện tích 94-140 m2) nhưng không phải ai cũng giành được quyền mua. Những người đến sau phải chấp nhận sang lại từ những người giành được quyền mua trước đó với giá chênh lệch 150-200 triệu đồng/căn, thậm chí thời gian gần đây còn tăng lên 200-350 triệu đồng/căn.
![]() |
Bốc thăm chọn căn hộ tại chợ địa ốc ACB vào đầu tháng 8. Ảnh: TT |
Tổng giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc nói rằng, với các dự án đẹp, có vị trí đắc địa, những khách hàng “bình thường” khó tiếp cận được. Do vậy phát sinh chuyện bán quyền mua. Tùy theo giá cao hay thấp, mức độ quan tâm của khách hàng đối với dự án mà quyền mua được rao bán chênh lệch nhiều hay ít.
Lâu nay, khi rao bán các dự án, chủ đầu tư yêu cầu người mua đặt cọc một số tiền để giành chỗ, phổ biến 10-20 triệu đồng. Với các dự án chung cư trung tâm thì số tiền đặt cọc sẽ cao hơn. Theo cán bộ một công ty, phần lớn số tiền đặt cọc chỉ mang tính tượng trưng. Do vậy một số khách hàng sẵn sàng đặt cọc mua nhiều căn hộ, sau đó chuyển nhượng lại thu tiền chênh lệch. Riêng chủ đầu tư cũng có lợi khi thu 0,5-1% giá trị căn hộ (hoặc nền đất) cho mỗi lần chuyển nhượng. Cách làm này chỉ diễn ra ở một số công ty mới, ít được khách hàng biết đến.
* Tâm lý phong trào "kích' giá căn hộ |
* Bán sạch chung cư trong vài giờ |
* Căn hộ giá trung bình hút khách |
* Tranh nhau mua căn hộ cao cấp |
Một công ty kinh doanh địa ốc ở quận 3 cho biết, ngoài những người đầu tư, có khoảng 30% người tham gia “lực lượng” này là nhân viên một số trung tâm môi giới địa ốc. Họ đến “đặt chỗ”, sau đó rao bán sản phẩm này qua chợ của mình khiến khách hàng có nhu cầu thật sự càng khó tiếp cận.
Bốc thăm chọn sản phẩm
Sau sự cố vào tháng ba vừa qua khi hơn 1.000 khách hàng phải chen lấn để tranh quyền mua hơn 30 căn hộ, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng đã thay đổi phương thức bán hàng. Hiện khách hàng muốn mua căn hộ tại các dự án của công ty phải nộp vào tài khoản đóng của công ty tại ngân hàng với số tiền tương đương 10% giá trị căn hộ, gọi là tiền “thành ý”. Nộp tiền xong sẽ nhận được một phiếu bốc thăm mua căn hộ. Sau khi tổ chức bốc thăm và được mua, khách hàng sẽ chọn căn hộ, ký hợp đồng với công ty. Khách hàng không mua được nhà công ty sẽ hoàn trả số tiền “thành ý” đã đóng trước đó, cộng với lãi suất không kỳ hạn.
Theo một cán bộ Phú Mỹ Hưng, cách này nhằm tạo điều kiện để sản phẩm đến tay những người có nhu cầu thật sự. Công ty cũng quy định sau khi nhận nhà, khách hàng mới được chuyển nhượng. Các trường hợp tự chuyển nhượng khi chưa bàn giao nhà đều không được công ty công nhận.
Trong khi đó theo lãnh đạo Công ty Nova Homes, phương thức trên là cách để chọn khách hàng có nhu cầu thật sự. Ông cũng cho rằng hai phương án có thể ngăn chặn tình trạng bán “lúa non” khá hiệu quả là yêu cầu số tiền đặt cọc cao, 5-10% giá trị căn hộ. Khách hàng không mua coi như bị mất tiền cọc do vậy họ sẽ cân nhắc khi mua nhà.
Cách thứ hai là hạn chế chuyển nhượng nhà đất khi khách hàng chưa hoàn tất đóng tiền nhà theo tỷ lệ nhất định. Ông cũng cho biết thêm, hiện khách hàng mua nhà qua công ty muốn chuyển nhượng phải đóng tối thiểu 40% giá trị căn nhà. Trước đó, một dự án nền Him Lam - Kênh Tẻ cũng đã áp dụng hình thức đóng 100% tiền nền mới được chuyển nhượng.
Theo các công ty kinh doanh địa ốc, hình thức bốc thăm mua sản phẩm mà Phú Mỹ Hưng đang áp dụng cần được nhân rộng. Giám đốc một công ty cho rằng, đây là hình thức bốc thăm chọn sản phẩm, không phải đấu giá. Về phía chủ đầu tư, phải công bố số lượng căn hộ, giá bán trước cho khách hàng biết để cân nhắc khi chọn lựa, và chủ đầu tư phải làm đúng như cam kết với khách hàng, không “làm giá” khi có nhiều người mua.
(Theo Tuổi Trẻ)