Bà Mến 74 tuổi ở tỉnh An Giang, vài năm qua bụng to ra như cái trống, nhà nghèo không có tiền chạy chữa nên đành chịu đựng sống chung với bệnh. Tình trạng khó thở, phù nề ngày càng tăng khiến cơ thể suy kiệt, bà đến bệnh viện huyện khám. Bác sĩ chẩn đoán khối u buồng trứng lớn, nghi là ung thư nên chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu, bệnh nhân khó thở, cao huyết áp, khối u khổng lồ khiến bụng phình to với chu vi 110x55 cm kéo dài từ hõm ức đến xương mu. U đã chèn lên túi cùng, xâm lấn vùng xương chậu, chèn ép các cơ quan nội tạng, có vôi hóa, dấu hiệu ung thư nên cần được phẫu thuật cắt bỏ. Ngoài ra, do u chèn ép lâu ngày gây viêm tắc và xơ vữa động mạch làm cho 2 chân bệnh nhân phù to.
Nhận định đây là một ca đại phẫu nguy cơ cao, các bác sĩ đã hội chẩn liên viện để đưa ra phương án cắt bỏ khối u sao cho an toàn nhất. "Bệnh nhân gầy yếu, nếu mổ ngay sẽ rất nguy hiểm. Sau khi hội chẩn chúng tôi quyết định không mổ ngay mà truyền dưỡng chất trong 2 tuần cho sức khỏe bà cụ ổn định mới tiến hành phẫu thuật", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Ca mổ kéo dài 3 tiếng đồng hồ đã bóc tách hoàn toàn khối u nặng 20 kg, truyền một lít máu cho bệnh nhân. Bác sĩ Tiến cho biết khó khăn lớn nhất trong quá trình phẫu thuật là khối u bám chặt vào các cơ quan nội tạng nên phải bóc tách dần dần từ bờ gan, tụy, bao tử, ruột, buồng trứng đến thành bụng. Sau đó, toàn bộ tử cung, buồng trứng, mạc nối lớn cũng được cắt bỏ hoàn toàn.
Hiện sức khỏe bà cụ hồi phục tốt. U được lấy mẫu sinh thiết. Bệnh nhân phải tập vật lý trị liệu để có thể ngồi và đi lại bình thường. Nếu kết quả sinh thiết kết luận là ung thư, bệnh nhân sẽ được hóa trị tiếp.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi