Động thái này của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đưa ra sau khi nhận liên tiếp báo cáo từ một số Sở Y tế về tình hình hết thuốc Tamiflu. Mới nhất, Sở Y tế TP HCM đã gửi văn bản về tình trạng hết thuốc Tamiflu do doanh nghiệp không tiếp tục ký hợp đồng và cung cấp thuốc cho bệnh viện. Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng hết Tamiflu phải vay từ nguồn phòng chống dịch.
Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 là đơn vị cung cấp thuốc Tamiflu cho nhiều bệnh viện hiện nay. Để giải quyết tình trạng khan hiếm thuốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75 mg phục vụ điều trị. Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng được khuyến cáo chủ động lập dự trù, lưu trữ thuốc, xử lý các cơ sở lợi dụng tăng giá thuốc...
Bộ Y tế khuyến cáo, mùa đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lan truyền. Ô nhiễm môi trường tăng cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm.
Dự báo bệnh cúm tiếp tục tăng ở cả nước trong thời gian tới.
Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ, bệnh nhân hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người bệnh mạn tính tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Để phòng chống bệnh cúm, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; che miệng khi hắt hơi. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Tiêm vắcxin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
Không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.