Ngày 19/4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Y tế về đề án sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2023-2030.
Ông Tuyên cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế theo hướng giảm đầu mối quản lý trực tiếp, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và tình hình thực tiễn.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước, tách quản lý nhà nước với quản lý đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công, Bộ Y tế tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Bộ Y tế chỉ giữ lại một số ít bệnh viện thuộc tiêu chí là bệnh viện đầu ngành, phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia; bệnh viện chưa đạt tiêu chí bệnh viện đầu ngành nhưng thuộc một số lĩnh vực chuyên khoa ưu tiên, bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đảm nhiệm nhiệm vụ bảo đảm an ninh y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng kinh tế xã hội trọng điểm.
Dự kiến, đến năm 2030 Bộ Y tế tiếp tục quản lý trực tiếp 30 bệnh viện; bàn giao nguyên trạng Bệnh viện 74 Trung ương về UBND tỉnh Vĩnh Phúc quản lý; tổ chức lại Bệnh viện 71 Trung ương (là bệnh viện chuyên khoa về lao và bệnh phổi có trụ sở tại tỉnh Thanh Hóa) và Bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng Trung ương (là bệnh viện chuyên khoa về phục hồi chức năng, có trụ sở tại tỉnh Thanh Hóa) trở thành bệnh viện thực hành thuộc Trường Đại học Y Hà Nội; tổ chức lại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam thành cơ sở 3 của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp đề nghị đề án của Bộ Y tế cần làm rõ tiêu chí sắp xếp, tổ chức lại bệnh viện trực thuộc Bộ. Các tiêu chí cần xem xét như kỹ thuật cao, chuyên sâu trong khám chữa bệnh, tiếp nhận bệnh nhân phức tạp từ tuyến dưới chuyển lên,...
Kết luận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá việc sắp xếp lại các bệnh viện nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Ông nhấn mạnh, việc sắp xếp phải lộ trình, hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động. Lúc đó, Bộ Y tế không chỉ phát huy vai trò trong quản lý nhà nước mà còn ở việc tổ chức bệnh viện đầu ngành, nghiên cứu, đào tạo.
Về lâu dài, ông gợi ý các địa phương có thể huy động bệnh viện tư nhân đủ năng lực để đảm nhận các nhiệm vụ chuyên môn của bệnh viện tuyến Trung ương. Việc này nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và liên thông về chính sách.
"Chỉ khi nào công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp lại thì mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế", Phó thủ tướng nói.
Hiện Bộ Y tế quản lý trực tiếp nhiều bệnh viện quan trọng như Bạch Mai, Chợ Rẫy, C Đà Nẵng, E, Châm cứu Trung ương, Tâm thần Trung ương 1,2, K, Phổi Trung ương...