Sáng 3/3, Ban chỉ đạo phòng chống các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao trên người đã họp trước những diễn biến phức tạp về tình hình dịch cúm gia cầm. Từ tháng 10 năm ngoái tới nay, dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại Trung Quốc có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số ca bệnh và tốc độ lây lan. Từ đầu năm đến nay Trung Quốc ghi nhận 460 bệnh nhân, con số cao nhất từ trước đến nay. Riêng tuần từ 15/2 đến 22/2 có đến 56 ca mắc mới tập trung tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây, đặc biệt là tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp ranh biên giới Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sự thay đổi của chủng virus này với độc lực cao hơn trên gia cầm. Theo ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nguy cơ cao dịch cúm gia cầm H7N9 xâm nhập vào nước ta, lây truyền sang người và bùng phát dịch. Bên cạnh đó dịch cúm H5N1 trên đàn gia cầm trong nước đang có diễn biến phức tạp. Năm 2016, dịch H5N1 chỉ xuất hiện ở 3 tỉnh thành thì từ đầu năm đến nay đã xảy ra ở 7 tỉnh thành gồm: Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi. Tất cả ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Từ năm 2015 đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca cúm gia cầm H5N1 trên người, cũng chưa phát hiện virus cúm H7N9 trên gia cầm và trên người. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ quan ngại: “Chăn nuôi gia cầm theo quy mô nhỏ lẻ, nguy cơ xâm nhập cúm H7N9 và lây H5N1 sang người rất cao”.
Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cũng cho biết đã tổ chức đoàn công tác đến các tỉnh biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn, lấy mẫu những người tiếp xúc gia cầm, giết mổ, mẫu môi trường. Dự kiến trong tuần này sẽ có kết quả xét nghiệm. Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh, Thứ trưởng Long lưu ý tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh. Tại các cửa khẩu, nếu diễn biến phức tạp thì có thể áp dụng tờ khai y tế với hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc.
Hiện ngành y tế Việt Nam chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại đến vùng có dịch, song nên cân nhắc nếu không cần thiết thì không đi.
Nam Phương