Ông Nguyễn Minh Lợi, Cục phó Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, tháng 10/2015, Bộ Y tế tham gia vào đoàn thẩm định, kiểm tra các điều kiện cụ thể tại cơ sở Đại học Kinh doanh và Công nghệ dự định dành đào tạo bác sĩ đa khoa ở Bắc Ninh. Đoàn đã thống nhất trường cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung để hoàn thiện đề án.
Cụ thể, Bộ Y tế khuyến cáo trường cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại cơ sở thực hành ngoài trường… Danh sách trường có 47 giảng viên đào tạo bác sĩ, nhưng chỉ 17/47 người có cam kết, trong khi yêu cầu cần tối thiểu một nửa.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Cục phó Cục Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế. |
“Theo quy trình, Bộ Y tế hiểu rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, xác định và nhất trí với những bổ sung của trường theo góp ý của Bộ Y tế. Vì vậy, ngày 17/11 Bộ có công văn yêu cầu trường hoàn thiện theo biên bản làm việc mới ủng hộ việc mở ngành”, ông Lợi cho biết.
Tuy nhiên, đến ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, Dược học.
Theo quy định, việc xem xét, quyết định cho phép mở ngành đào tạo thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục. Hai Bộ Y tế, Giáo dục sẽ kiểm tra các điều kiện đảm bảo việc mở ngành và chất lượng đào tạo đối với Đại học Kinh doanh và Công nghệ nói riêng và các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trong cả nước. Nếu không đáp ứng điều kiện, Bộ Y tế sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục ngừng tuyển sinh.
Theo ông Lợi, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Giáo dục đẩy mạnh chương trình đổi mới căn bản, toàn diện trong đào tạo lĩnh vực Y, Dược. Trong tương lai, Bộ Y tế đề xuất và xây dựng chính sách trong đó sẽ tổ chức thi chứng chỉ hành nghề theo như thông lệ quốc tế.
Hiện cả nước có 22 trường cả đa ngành và chuyên ngành tham gia đào tạo trong lĩnh vực y tế. Trong đó có Đại học Kinh doanh và Công nghệ là trường ngoài công lập thứ năm và là trường đầu tiên Bộ Y tế được tham gia thẩm định mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế.
Trao đổi với TTXVN, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết, trường đã mất 3 năm chuẩn bị để mở ngành Y, Dược, bao gồm hệ thống phòng ốc, máy móc, thiết bị y tế, cơ sở thực tập, quy trình xử lý rác y tế… Không tính diện tích đất đai, phòng ốc, riêng chi phí đầu tư trang thiết bị cho các ngành này là 80 tỷ đồng.
Về nhân lực, ông Hóa khẳng định trong hơn 40 cán bộ, giảng viên thì hơn 10 người là giáo sư, phó giáo sư có uy tín đầu ngành trên cả nước. "Về đội ngũ, thậm chí nhiều trường y, dược chuyên ngành hiện nay cũng không bằng trường tôi", ông Hóa nói.
Theo Phó hiệu trưởng Hóa, trường đã gửi báo cáo lên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề xuất ba tổ hợp tuyển sinh gồm Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Sinh và Toán - Lý - Sinh. Trường xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 20 điểm ba môn và dự định tuyển khoảng 100 chỉ tiêu cho cả hai ngành.
Công văn ngày 3/12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng các ngành Y, Dược thuộc khối không chuyên Y Dược. Theo quy định, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nhân lực y tế được xác định theo số giảng viên hữu cơ quy đổi của từng ngành và các điều kiện đã được quy định để đảm bảo chất lượng, cơ sở đào tạo không được tuyển vượt con số đã xác định. Thời gian qua, việc đào tạo ồ ạt ngành Y Dược ở nhiều trường đại học, cao đẳng không chuyên đã dẫn đến tình trạng thừa nhân lực ngành y tế, chất lượng đầu ra không đảm bảo, gây bức xúc cho người dân. |
Nam Phương