Ngày 10/3, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý tổ chức, cá nhân để chậm trễ mua vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Đây không phải lần đầu tiên Bộ Y tế được yêu cầu báo cáo tiến độ các hợp đồng mua vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Hôm 11/3, Bộ có văn bản giải trình về vấn đề này.
Theo đó, sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết mua vaccine của Pfizer cho trẻ em 5-12 tuổi và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, Bộ Y tế đã thương thảo với hãng này. Từ ngày 10/2 đến 10/3, hai bên nhiều lần trao đổi, yêu cầu Pfizer làm rõ một số ý kiến từ đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế...
Trong quá trình đàm phán mua 21,9 triệu liều, Bộ Y tế cho biết nhận được thông tin việc Chính phủ Mỹ có khả năng viện trợ vaccine cho Việt Nam, nhưng chưa rõ số lượng và thời gian bàn giao. Bộ Y tế đã làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, đề nghị hỗ trợ tối thiểu 10 triệu liều trong tháng 3 và quý II/2022.
Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng tiếp tục cho Bộ làm việc với CDC Mỹ nhận nguồn viện trợ vaccine cho trẻ em nhằm giảm thiểu nguồn chi từ ngân sách và Quỹ vaccine. Ngay sau khi có xác nhận của CDC Mỹ về số lượng vaccine hỗ trợ, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng về số lượng đặt mua.
Nếu đến ngày 15/3 phía Mỹ chưa thông tin cụ thể, Bộ Y tế đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép ký hợp đồng mua 21,9 triệu liều vaccine của Pfizer và từ chối nhận vaccine viện trợ.
Trước đó đầu tháng 2, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Luật Đấu thầu để mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế mua, triển khai tiêm đảm bảo an toàn.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/3, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trong tháng 3 sẽ tiếp nhận 7 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 tuổi; quý IV/2022 nhận 15 triệu liều vaccine còn lại. Thời gian tiêm cho trẻ từ 5 tuổi có thể kéo dài đến đầu năm 2023.
Sơn Hà