Bộ Y tế vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết một số điều của luật An toàn thực phẩm. Dự thảo bỏ một số quy định như sản phẩm đã công bố không cần công bố lại khi thay đổi cách đóng gói... Trong quá trình soạn dự thảo, Hiệp hội chế biến thủy sản, Phòng thương mại công nghiệp Mỹ (Amcharm) kiến nghị thêm là bỏ quy định đăng ký công bố chất lượng, an toàn thực phẩm, giống các nước phát triển đang thực hiện như Nhật Bản, Mỹ, Singapore…
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, điều kiện hiện nay của nước ta chưa thể bỏ công bố chất lượng sản phẩm, tức hình thức tiền kiểm.
Hiện nay, để kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, Viêt Nam thực hiện cả hình thức tiền kiểm và hậu kiểm. Theo đó, trước khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ bao gồm phiếu kiểm nghiệm, ghi nhãn… để cơ quan nhà nước kiểm tra về mặt giấy tờ, đối chiếu các chỉ tiêu an toàn doanh nghiệp tự công bố đã phù hợp chưa…, tức tiền kiểm. Trong quá trình kinh doanh, cơ quan chức năng tiếp tục định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu xét nghiệm (hậu kiểm) để giám sát chất lượng.
Theo bà Nga, Việt Nam chưa thể bỏ hình thức tiền kiểm sản phẩm. Lý do người Việt có đặc điểm sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình, theo kinh nghiệm hoặc tự phát mà không ứng dụng hệ thống kiểm soát chất lượng. Ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về an toàn thực phẩm trong nước cũng chưa cao. Đã có rất nhiều bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm như bơm tạp chất vào tôm, dùng tinopal để làm trắng bún. Thậm chí nhiều người dân biết là hàng hóa độc hại nhưng vẫn bán ra thị trường.
Cũng theo bà Nga, bỏ công bố chất lượng sản phẩm đồng nghĩa bỏ tiền kiểm chỉ tập trung hậu kiểm. Để làm được điều này cần lực lượng thanh tra rất hùng hậu. Tại Nhật có đến 12.000 thanh tra, trong khi cả ngành y tế nước ta chưa đến 400 thanh tra.
“Nếu doanh nghiệp tự sản xuất, không cần biết có tuân thủ các yêu cầu về chất lượng hay không thì thực phẩm độc hại có thể bị tiêu thụ trước khi được kiểm tra”, bà Nga nói. Tuy nhiên, để tiền kiểm cần cải cách hành chính, giảm thủ tục giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường khâu hậu kiểm khi thực phẩm lưu thông trên thị trường.