![]() |
- Thưa ông, vì sao ngành y tế lại đề nghị tiêu diệt hết gà trong vùng dịch? - Các kết quả xét nghiệm mới nhất đều cho thấy virus gây cúm A làm chết 11 bệnh nhân phía Bắc đều có kháng nguyên giống virus cúm gà. Chưa có kết luận cuối cùng, nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng virus lây từ gà sang gia súc sau đó hoàn thiện bề mặt kháng nguyên và lây sang người. Theo quan sát của chúng tôi, hiện ta chưa thực sự chủ động khoanh vùng, bao vây dịch trong các trang trại, mà thường chờ đến khi có gà bệnh, chết mới tiêu hủy. Biện pháp này không đảm bảo ngăn ngừa được sự lan rộng của dịch cúm gà, đồng thời khiến chủng virus có thời gian để biến đổi và trở nên nguy hiểm hơn. Tiêu hủy tất cả số gà trong vùng dịch là biện pháp nhanh nhất để dập dịch, tránh nguy cơ lây sang người. - Nhưng con đường lây nhiễm từ gà sang gia súc rồi sang người mà ông vừa đưa ra mới chỉ là giả thiết? - Vâng, là giả thiết. Để chứng minh điều này, chúng tôi đã và đang tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm ở gia cầm, gia súc và người tại nhiều địa phương khác nhau ở miền Bắc, trong đó đặc biệt là Hà Nam - quê của 2 bệnh nhân đã tử vong vì cúm A và trước đây đã xảy ra dịch gà chết hàng loạt. Tất nhiên, giả thiết trên được dựa theo những nghiên cứu của chúng tôi chứ không có trong báo cáo của cơ quan thú y. Các mẫu bệnh phẩm này sẽ tiếp tục được phân tích tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và phòng thí nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới ở Hong Kong. Khi có kết quả, nghi vấn của chúng tôi sẽ sáng tỏ. - Nếu kết quả không đúng như vậy thì sao? - Chúng tôi vẫn giữ nguyên đề nghị trên, vì dù thế nào thì cúm A ở ta cũng là từ gà lây sang người. Nếu trì hoãn, virus cúm H5N1 ở người bệnh sẽ hoàn thiện bề mặt kháng nguyên và như vậy chúng sẽ có khả năng lây từ người sang người. Lúc đó, một thảm họa sẽ xảy ra - một đại dịch cúm trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới đang phối hợp với chúng tôi để tìm hiểu vấn đề này, và dự kiến sẽ khẩn cấp sản xuất vaxcin đặc trị chủng virus này trong vài tuần. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc vì phôi gà để sản xuất vacxin còn rất ít, chỉ đủ để dành cho loại chống H3N2 và H1N1 - hai chủng cúm A nguy hiểm khác đang hoành hành trên thế giới. - Trong khi chờ kết quả nghiên cứu, Bộ có làm gì để giúp nhân dân phòng dịch cúm này? - Chúng tôi đã chỉ đạo y tế địa phương hướng dẫn nhân dân thực hiện 4 nguyên tắc phòng bệnh: đảm bảo vệ sinh cá nhân, tăng cường sức khỏe (ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý...), hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh (người và gia súc mắc bệnh), đến khám và điều trị tại bệnh viện cấp tỉnh trở lên khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt cao, đàu đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng... Thế giới chưa có phác đồ nào điều trị cúm A hiệu quả. Do đó, cách duy nhất là dự phòng, mà đã dự phòng thì phải làm triệt để. Thiệt hại kinh tế có thể tính toán được, còn thiệt hại về người là vô giá. Thiên Đức |