Liên quan nghi vấn chất lượng máy xét nghiệm tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ xem xét lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ nhập khẩu các thiết bị y tế trên. Bộ sẽ có công văn gửi cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội để làm rõ vụ việc. Sở Y tế Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để điều tra.
![ktra11-9187-1406869471.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/08/01/ktra11-9187-1406869471.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sIBEfCsluhNaqvmOZn-tNA)
Máy xét nghiệm sinh hóa tại Bệnh viện Hoài Đức bị hỏng, "đắp chiếu" từ tháng 11/2013. Ảnh: Hà An.
Theo hồ sơ, năm 2010, Sở Y tế Hà Nội tổ chức đầu thầu gói thầu số 4 mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm cho 5 bệnh viện huyện. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khoáng sản là đơn vị trúng thầu cung cấp 6 máy phân tích sinh hóa tự động Greiner GA 240, xuất xứ Đức với giá trúng thầu 648 triệu đồng/máy. Công ty này không nhập khẩu trực tiếp mà mua lại từ Công ty Tâm Long - đơn vị này lại mua máy từ Công ty Bình Mai.
Giấp phép nhập khẩu lô hàng thiết bị trên do bà Nguyễn Thị Kim Tiến (khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế) ký vào ngày 2/8/2010 cấp cho Công ty Bình Mai. Tuy nhiên, trước đó gần 2 tháng (9/6/2010), Công ty xuất nhập khẩu Khoáng sản đã bàn giao máy cho Bệnh viện huyện Thường Tín.
Trong báo cáo gửi Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội cho biết các máy này được bàn giao tháng 7/2010 và được sử dụng ngay, trong khi theo quy định, lô hàng phải được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mới được nhập vào Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Công trình Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn, quy trình nhập khẩu trang thiết bị y tế còn bất cập. Người ký cho phép nhập khẩu chỉ được nhìn trên giấy, trong khi người trực tiếp kiểm tra sản phẩm lại là đơn vị khác.
Giấy phép nhập khẩu có thời hạn một năm. Lợi dụng điều này, sau khi nhập một lô hàng về bán cho đơn vị khác, doanh nghiệp có thể giải thể và lập doanh nghiệp mới. Nếu lô hàng có vấn đề, cơ quan chức năng không tìm được công ty chịu trách nhiệm.
Trước đó, ngày 23/7, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính Bệnh viện Thường Tín 30 triệu đồng vì sử dụng máy xét nghiệm không rõ nguồn gốc, đồng thời tịch thu và tiêu hủy chiếc máy trên.
Kiểm tra 6 máy xét nghiệm nằm trong gói thầu số 4, Sở Y tế đánh giá 5 máy hoạt động bình thường, chỉ một máy bị đứt cáp không sử dụng được.
Nam Phương