Bộ trưởng Tiến chiều nay cho biết bà mong muốn các ban ngành, đặc biệt là công an, chính quyền địa phương hỗ trợ. Cụ thể, bộ trưởng đề nghị cảnh sát cơ động phối hợp công an địa phương cắm chốt ngay tại bệnh viện để bảo vệ nhân viên y tế. Các đơn vị y tế, sở y tế và công an phối hợp lập đường dây nóng để bệnh viện gọi bất cứ lúc nào cũng có lực lượng 113 sẵn sàng hỗ trợ. Các bệnh viện cũng được khuyến cáo lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực.
“Những giải pháp này cần làm quyết liệt, khi đó hiệu quả sẽ rõ. Ví dụ Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng hiện có công an cắm chốt tại cơ sở, có đường dây nóng với lực lượng cơ động 113”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Hành hung cán bộ y đang thi hành nhiệm vụ là vi phạm nghiêm trọng bộ luật Hình sự sửa đổi. Người đứng đầu ngành y nhìn nhận việc hành hung cán bộ y tế là hiện tượng có tính chất lan rộng, ngày càng tăng. Nguyên nhân còn do sự phối hợp chia sẻ xử lý giữa các bên chưa hiệu quả. Lực lượng bảo vệ ở các bệnh viện hiện nay khó có thể đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế, công an phường thì thường không đến kịp khi có sự vụ.
Về những ý kiến cho rằng thái độ hành xử của y bác sĩ cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến vấn nạn hành hung cán bộ y tế, Bộ trưởng Tiến cho rằng, thái độ của y bác sĩ là một phạm trù khác, là trách nhiệm của bệnh viện. Bộ Y tế đã có đề án đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế.
Một số bác sĩ đang kêu gọi tuần hành để chống nạn bạo hành y tế. Bộ trưởng Tiến cho biết chưa nhận được đề nghị này, song bà nói: "Bộ trưởng không có ý kiến trong vấn đề này vì đó là quyền dân sự".
Đề nghị của ngành y tế được đưa ra sau nhiều vụ hành hung y bác sĩ. Vụ mới nhất xảy ra đêm 13/4 tại Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, bác sĩ đang tư vấn cho bố của một bệnh nhi bị thương, thì bị người này hành hung.