Trong tờ trình gửi Thủ tướng ngày 10/8, Bộ Y tế lý giải, để coi Covid-19 là bệnh lưu hành, cần đáp ứng tiêu chí bệnh xảy ra ở một nhóm dân số cụ thể hoặc trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc ổn định và dự báo được.
Trong khi đó, Covid-19 tại hầu hết nước có số ca nhiễm và tử vong chưa ổn định; xu hướng tăng giảm thay đổi khi có biến thể virus mới. Biến thể virus mới liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vaccine hoặc mắc bệnh) chưa ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian. Do đó, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
WHO đưa ra kế hoạch kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022 với điều kiện cơ bản là tỷ lệ bao phủ vaccine đạt trên 70% dân số trên phạm vi toàn cầu; kiểm soát được số ca mắc mới và tử vong do Covid-19. WHO cũng khuyến khích các quốc gia chuyển tiếp biện pháp phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Trên thế giới, chưa quốc gia nào công bố Covid-19 là bệnh lưu hành. Một số nước đưa ra tiêu chí xem Covid-19 là bệnh lưu hành, như ca tử vong thấp, ca bệnh nặng phải nhập viện giảm, độ bao phủ vaccine cao ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là nhóm dân số nguy cơ cao. Thời gian qua, nhiều nước từng bước nới lỏng biện pháp chống Covid-19 như đối với các bệnh thông thường khác.
Tại Việt Nam, Covid-19 được kiểm soát trên toàn quốc, nhưng số ca mắc xu hướng gia tăng trở lại thời gian gần đây và vẫn ghi nhận ca tử vong, nhiều ca bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị. Việt Nam đã tiêm được 247 triệu liều vaccine, có số liều sử dụng và tỷ lệ bao phủ cao trên thế giới. Từ tháng 4, Bộ Y tế đã mở rộng tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tiêm mũi ba cho trẻ từ 12 tuổi; tiêm mũi bốn cho nhóm nguy cơ cao từ 18 tuổi.
"Việt Nam cơ bản đáp ứng những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững, nhưng vẫn cần cảnh giác với các biến thể mới của virus", báo cáo của Bộ Y tế nêu.
Bộ Y tế cũng đề xuất Thủ tướng chưa chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ nguyên nhân gây bệnh) sang nhóm B (bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong).
Nguyên nhân là việc huy động sự tham gia của các đơn vị vào công tác chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức và người dân có thể chủ quan. Bộ Y tế đề xuất từng bước giảm biện pháp chống Covid-19, áp dụng linh hoạt giữa các biện pháp giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và B.
Bộ Y tế đề đồng thời đề nghị Thủ tướng chưa công bố hết Covid-19 tại Việt Nam. Để công bố hết Covid-19, cần đáp ứng các điều kiện, trong đó có "không phát hiện ca nhiễm mới sau 28 ngày". Nếu công bố hết Covid-19, nếu xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, sẽ khiến các chính sách đặc thù không được áp dụng, như nghiên cứu, sản xuất hoặc tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... Duy trì công bố Covid-19 như hiện nay đảm bảo sự quan tâm và huy động nguồn lực toàn hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch.
Những đề xuất nêu trên của Bộ Y tế cơ bản không thay đổi so với tờ trình Chính phủ được xin ý kiến các bộ, ngành về biện pháp chống Covid-19 trong tình hình mới hồi tháng 6, dù độ bao phủ vaccine tăng.
Từ đầu năm 2022, Thủ tướng nhiều lần yêu cầu các đơn vị tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) được Chính phủ ban hành giữa tháng 3 nêu Việt Nam sẽ nghiên cứu chuyển biện pháp phòng chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
Bảy tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh, gần 11.000 ca tử vong. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 10/8 cho thấy ở cấp độ quốc gia, số ca mắc mới hàng tuần của Việt Nam là hơn 571.000, chỉ xếp sau Nhật Bản (1,4 triệu ca), Mỹ (gần 760.000 ca) và Hàn Quốc (hơn 713.000 ca).
Nếu tính trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia có số ca mắc mới cao nhất. Tuy nhiên, Việt Nam không có tên trong danh sách các nước có số ca tử vong cao nhất tuần. Những quốc gia này bao gồm Mỹ (hơn 2.700 ca), Brazil (hơn 1.400 ca), Nhật Bản (1.002 ca) và Tây Ban Nha (654 ca).